Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeMua bán sắt thépGia công sắt thépPhản biện đề xuất lập Quỹ bình ổn thép: Không khả thi...

Phản biện đề xuất lập Quỹ bình ổn thép: Không khả thi và đi ngược quy luật kinh tế thị trường

 Trước thông tin cho rằng, Bộ Công Thương đang cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép, giới chuyên gia cho rằng, điều này là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép gần đây.

Xây dựng quỹ bình ổn giá thép đi ngược lại quy luật thị trường

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu sản xuất giá đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Trong một buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu các giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai.

Đáng chú ý Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp ngành thép kịp thời có kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, việc thành lập Quỹ bình ổn mặt hàng thép là phi thị trường và bất hợp lý bởi thép không nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu.

Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép là không phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật Giá nhưng từ khi Luật Giá 2012 được ban hành, một loạt mặt hàng như ximăng, sắt, thép… đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Bởi vậy theo các chuyên gia, ý tưởng đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép là không khả thi.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn.

Ngoài ra, biến động giá thép do nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước. Trong đó, có vấn đề về phôi thép, nhu cầu và đột biến về chi phí vận tải. Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, đề xuất lập Quỹ bình ổn là vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép lần này.

Thậm chí, PGS TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả còn cho rằng, theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá cũng không được phép lập quỹ, trừ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng và liên quan đến an ninh quốc gia. Như mặt hàng sữa, đâu có ai đề xuất lập Quỹ Bình ổn.

Theo ông Long, hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền. Giờ lập Quỹ Bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.

Trao đổi với phóng viên, các doanh nghiệp ngành thép cũng phản đối việc thành lập quỹ bình ổn giá thép. Nguyên nhân là do giá thép đang cao, giờ đóng tiền vào quỹ thì người tiêu dùng “gánh” hết bởi thép tiếp tục tăng giá. Còn khi giá giảm dưới giá thành sản xuất, doanh nghiệp có được lấy kinh phí từ quỹ bù lỗ hoặc điều hành tăng không? Đặc biệt vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu; hiện các doanh nghiệp sản xuất thép đang hoạt động khá độc lập “mạnh ai nấy làm” nên có mức giá riêng vậy Bộ Công Thương, Tài chính lấy giá nào để tham chiếu xây dựng giá cần phải bình ổn giống như mặt hàng xăng dầu.

Bác đề xuất việc thành lập quỹ Bình ổn giá thép

Trước đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép nêu trên, mới đây ngày 3/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về tình hình cung-cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình cung-cầu và giá thép năm 2021. Hiện nay, giá thép đang tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, ngày 8/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp. Ngay sau đó, ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới và đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. “Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ông Hải cũng cho biết, để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ, ép giá để trục lợi,Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi ngườitiêu dùng. Chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Nguồn tin: Doanh ngiệp Việt nam

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới