Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTài liệu ngành thépNhà máy thép gần 1.000 tỷ đồng: UBND tỉnh quyết làm, Sở...

Nhà máy thép gần 1.000 tỷ đồng: UBND tỉnh quyết làm, Sở KH&ĐT nói không

 Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam không đồng ý thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về chủ trương cấp phép đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp gần 1.000 tỷ đồng tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Theo nhận định của Sở KH&ĐT Quảng Nam, khả năng đóng góp ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn của dự án không đáng kể, trong khi dự án sẽ có ảnh hưởng đến dân sinh và tiểm ẩn nguy cơ cao ô nhiễm môi trường nước, không khí cho địa bàn, vùng lân cận và hạ lưu.

Tránh thuế nhưng có tránh được gây ô nhiễm?

Tại văn bản số 597 của Sở KH&ĐT do ông Trần Văn Ẩn, Phó Giám đốc ký ngày 22/8/2016 về chủ trương đầu tư dự án này, Sở KH&ĐT nêu rõ: “Không thống nhất chủ trương đầu tư mới Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp” với các lý do: Chính phủ chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, quá trình sản xuất thải ra kim loại nặng và khói bụi ảnh hưởng đến môi trường ngay cả khi doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường. Dự án không nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt và cũng không có tính thuyết phục về mặt hiệu quả kinh tế.

Và thực tế những năm vừa qua, dự án luyện cán thép Việt-Pháp mà chủ đầu tư thực hiện tại Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương tín I, Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng không hiệu quả, đóng góp ngân sách nhà nước quá ít, đang thuộc diện phải di dời do gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Số liệu của Cục Thuế Quảng Nam cho thấy con số đóng góp ngân sách nhà nước mà dự án này mang lại trong các năm 2014, 2015 lần lượt là 3 triệu đồng/năm và 12,6 triệu đồng/năm.


Người dân trong khu lều trại dựng tạm trước cổng Cty TNHH Thép Việt-Pháp tại Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương tín I, Điện Nam Đông,
Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, phản đối tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhà máy. Ảnh: TS.

Không những vậy, theo đánh giá của Sở KH&ĐT, địa điểm thực hiện dự án Việt-Pháp có quy mô 17,3ha tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang là khu vực đầu nguồn nước, thuộc vùng núi cao, nằm sát quốc lộ, gần khu vực tập trung đông dân cư. Do đó, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng đến môi trường của các hộ dân sinh sống gần nhà máy, đặc biệt là xem xét việc ảnh hưởng của dự án tới quy hoạch phát triển đô thị của thị trấn và khu vực lân cận.

Trong khi đó, nếu dự án này được di dời về huyện Nam Giang – một địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì dự án sẽ được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án.

Chủ tịch huyện Đại Lộc không chọn thép

Mặc dù vậy, ngày 23/9/2016, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vẫn ký văn bản số 420, thông báo về việc thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.

Thông báo nêu rõ: Thống nhất cho phép Cty TNHH Thép Việt-Pháp làm chủ đầu tư của dự án, được chọn địa điểm để lập dự án tại vị trí thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, với diện tích khoảng 17,3ha, trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký bao gồm cả thời gian lập quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500), trình thẩm định, phê duyệt tối đa là 6 tháng.

Được biết, trước khi có quyết định di dời dự án nhà máy thép này của UBND tỉnh Quảng Nam đến huyện Nam Giang thì nhà máy này suýt được cho phép đầu tư xây dựng tại huyện Đại Lộc.

Ban đầu Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đã đồng ý cho phép đầu tư và UBND tỉnh Quảng Nam do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh ký quyết định thỏa thuận địa điểm đặt nhà máy tại huyện Đại Lộc. Tuy nhiên, nửa năm sau, khi nghiên cứu lại dự án, lãnh đạo huyện này đã “quay ngoắt 180 độ”, không đồng ý đầu tư xây dựng nhà máy thép trên địa bàn nữa vì lo sợ nhà máy hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy mới có thông báo thỏa thuận địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy thép Việt-Pháp tại huyện Nam Giang.

Qua tình huống này có thể thấy, chính Chủ tịch UBND cấp huyện cũng có thể từ chối một dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không đánh đổi môi trường sống của người dân để lấy một nhà máy thép mà chưa thể khẳng định được rằng nó sẽ có hiệu quả kinh tế và kiểm soát tốt việc xả thải.

Thế nên, ngay cả khi UBND cấp tỉnh đã có văn bản thỏa thuận đồng ý cho phép đầu tư xây dựng thì Chủ tịch UBND cấp huyện cũng có thể từ chối nếu những lý do đưa ra là chính đáng.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang có suy nghĩ gì về việc Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc từ chối đầu tư xây dựng Nhà máy thép Việt-Pháp, ông có dám thay đổi quyết định của mình đối với nhà máy này nếu như đánh giá tác động môi trường của dự án trên địa bàn huyện không đạt yêu cầu?

Nguồn tin: Xây dựng

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới