Thứ hai, Tháng chín 16, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcVận xám bao trùm ngành thép

Vận xám bao trùm ngành thép

 Giá thép liên tục lao dốc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành thừa nhận, “chưa bao giờ ngành thép lại khó khăn như hiện nay”.

Nhiều doanh nghiệp thép lỗ nặng, ngập nợ

Nửa đầu năm 2019, một loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ. Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) lỗ 133 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) lỗ 32,2 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cũng thua lỗ trong 2 quý đầu năm do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán các thành phẩm lại không tăng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết, giá thép trong và ngoài nước bắt đầu đà giảm từ cuối năm 2018 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của Công ty ở mức khá cao, cộng thêm việc hạn chế về vốn chủ sở hữu nên các hoạt động đầu tư cũng như xoay vòng vốn gặp nhiều khó khăn.

Sang quý III/2019, tình hình kinh doanh của DTL có cải thiện hơn chút ít, song dự báo lợi nhuận vẫn chưa là con số dương.

DTL ước tính lỗ thêm từ 6 – 7 tỷ đồng trong quý III này. Với tình trạng hiện tại, việc về đích kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng (giảm gần 8% so với mức thực hiện năm 2018) và lợi nhuận cả năm 38 tỷ đồng còn phải chờ “phép mầu” trong quý IV.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ DTL âm 37,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6/2019 là âm 277,8 tỷ đồng.

Đại diện Pomina cho biết, giá thép thị trường thế giới và thị trường nội địa diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi, cộng với chi phí giá vốn quá lớn khiến lợi nhuận gộp 2 quý đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ 2018.

Quý II vừa qua, Công ty cổ phần Thép Dana – Ý (DNY) báo lỗ 114,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế nửa đầu năm lên tới hơn 171 tỷ đồng.

Dự kiến, lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty lên tới gần 250 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ bên cạnh những khó khăn chung ở thị trường trong nước và xuất khẩu là việc Công ty chịu án phạt đình chỉ hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 do gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, Thép Dana Ý đã đâm đơn khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng và đòi bồi thường 400 tỷ đồng vì cho rằng, doanh nghiệp được cấp phép đầy đủ, việc không di dời nhà dân xung quanh nhà máy không phải trách nhiệm của doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của chính quyền khi vẫn cấp phép cho dân xây dựng.

Doanh nghiệp không chấp nhận bị rút giấy phép hoạt động nhà máy, mà chính quyền phải đưa ra phương án phù hợp.

Trong nửa đầu năm nay, chỉ một số ít doanh nghiệp thép báo lãi như Hòa Phát, SMC, Thép Việt Đức (VSG).

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn đi lùi so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, Hòa Phát báo lãi sau thuế 6 tháng là 3.800 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 6/2019, Hòa Phát đang hạch toán chi phí dở dang gần 43.000 tỷ đồng tại Dự án Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất. Dự án này dự kiến sẽ cho ra lò thép cán nóng vào tháng 3/2020.

Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức (VGS) cũng thừa nhận, chi phí giá vốn tăng quá mạnh là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 sụt giảm.

Con số lợi nhuận của hai doanh nghiệp này là 38 và 28 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 10,5% và 11,7% so với cùng kỳ 2018.

Quý IV chưa hết khó
Bà Nguyễn Thị Nhi, Thành viên Hội đồng quản trị VGS nhận định, khó khăn là tình trạng chung của ngành thép trong thời gian qua khi giá nguyên liệu chưa có dấu hiệu giảm, tỷ giá USD/VND tăng lên khiến chi phí đầu vào gia tăng, trong khi đó, giá thép thành phẩm trong nước lại không được điều chỉnh kịp thời theo tín hiệu đầu vào.

Chưa kể, thép là nguyên liệu phụ trợ cho ngành xây dựng, nhưng hiện nay ngành này đã có những dấu hiệu đi xuống.

“Nửa đầu năm nay, VGS hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của giai đoạn này, nhưng nếu tình hình biến động giá thép từ nay đến cuối năm không được cải thiện thì việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong nửa còn lại của năm là rất khó”, bà Nhi chia sẻ thêm.

Ngay doanh nghiệp đầu ngành như Thép Hoà Phát cũng có cái nhìn thận trọng về tình hình thị trường trong những tháng cuối năm.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cho biết, giá quặng thép nếu vẫn tiếp tục cao như hiện nay và thị trường xây dựng chưa khởi sắc, doanh nghiệp thép vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Báo cáo phân tích về ngành thép mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chiếc bánh thị phần ngành thép không chia đều cho tất cả.

Áp lực cạnh tranh gia tăng trong những năm tới sẽ là bài kiểm tra nội lực của các doanh nghiệp trong ngành cũng như khả năng duy trì lợi nhuận và dòng tiền.

Những doanh nghiệp yếu kém sẽ có nguy cơ bị gạt bỏ, doanh nghiệp mạnh sẽ có cơ hội giành lấy thị phần.

Theo MBS, hàng loạt doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất, đáng chú ý nhất là Hòa Phát tăng gấp đôi quy mô sản xuất trong giai đoạn 2019 – 2020.

Tổng công suất thép dài toàn ngành ước tính sẽ tăng khoảng 20 – 25% trong năm 2019, chủ yếu đến từ HPG và POM. Đối với thép dẹt, ước tính tổng công suất sẽ tăng 25 – 30% trong năm 2019, từ Hoa Sen và Thép Nam Kim.

Hai doanh nghiệp này đang đầu tư khá nhiều, với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 3 – 4 lần, nên chịu áp lực rất lớn về dòng tiền.

Thị trường thép toàn cầu đang gặp khó khăn. Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản suất.

Trong những năm 2014 – 2015, giá thép giảm mạnh, xuất khẩu thép Trung Quốc đạt mức kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc có chính sách đóng cửa các cơ sở nhỏ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các năm 2017 và 2018.

Sức ép nguồn cung giảm, giá thép toàn cầu được cải thiện. Sang năm 2019, Hiệp hội Thép Thế giới đã dự báo triển vọng tăng trưởng thép toàn cầu 2019 dự kiến đạt 1,820 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2018.

Đáng chú ý, lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc 7 tháng 2019 đã đạt 577 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước.

Hiện sản xuất thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới, với 14,5 triệu tấn thép năm 2018. “Thị trường Việt Nam cũng chịu tác động của sự biến động giá nguyên liệu sản xuất thép, chính sách bảo hộ ngành thép trên toàn cầu và dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép”, ông Đa nhấn mạnh.

Thông tin được đưa ra từ VSA, 8 tháng đầu năm 2019, dù hoạt động xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại, song tăng trưởng sản xuất và bán hàng lần lượt đạt 6,2% và 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo quan điểm của VSA, trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại là việc làm thường xuyên, kịp thời để bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, VSA cũng lưu ý các thành viên cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cao hơn.

Nguồn tin: Vietnambiz

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới