Thứ hai, Tháng chín 16, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcThị trường thép vẫn chưa hạ nhiệt

Thị trường thép vẫn chưa hạ nhiệt

 Mặc dù công suất ngành thép Việt Nam đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó nguồn nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Đáng nói là hiện giá sắt thép thế giới liên tục giảm giá nhưng giá các sản phẩm tại Việt Nam vẫn chưa có động thái giảm.

Khó giảm, vì sao?
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những ngày cuối tháng 5/2021, giá thép thanh vằn trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 6% xuống 729,79 USD/tấn; giá thép tấm giảm từ 1.066 USD xuống còn 915 USD/tấn; thép chữ H giảm từ 950 USD xuống còn 839 USD)/tấn… Nguyên nhân khiến giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc giảm sâu là do Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) và SHFE đã nâng mức giới hạn giao dịch và siết chặt các yêu cầu ký quỹ và khôi phục lại mức phí đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt và thép trong tương lai…
Mặc dù Trung Quốc là nơi cung ứng nguyên liệu sản xuất thép chính cho Việt Nam và đã giảm giá bán thép nhưng hiện sản phẩm thép Việt Nam vẫn đứng yên ở mức cao. Thậm chí một số DN như Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Thép Sendo… đã thông báo từ 1/6 sẽ tăng thêm 300.000 đồng/tấn cho các mặt hàng như tôn mạ kẽm, thép dày mạ, ống thép mạ kẽm… Khảo sát một số đại lý kinh doanh thép xây dựng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện thép cuộn CB240 Hòa Phát được bán với giá 18,27 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 17,81 triệu đồng/tấn. Với thương hiệu thép Việt Ý, sản phẩm thép cuộn CB240 hiện có giá 18,17 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 17,56 triệu đồng/tấn. Công ty thép Thái Nguyên đang chào bán thép thanh vằn D10 CB300 với giá 17,71 triệu đồng/ tấn…

 

Lý giải nguyên nhân giá bán thép trong nước không giảm, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, giá thép cao là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu từ quặng sắt, điện cực graphite, than cốc, thép phế liệu… đều tăng; đặc biệt ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới. Khi giá nguyên liệu thế giới tăng khiến giá thép thành phẩm tăng tương ứng.

“Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5 ở mức 166,79 USD/tấn, tăng 4,1% so với đóng cửa phiên trước; Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 6 trên sàn Singapore cũng tăng 1,1% lên 185 USD/tấn. Giá than luyện thành than cốc tăng nhẹ 0,6%, sản phẩm than cốc giao sau tăng 2,9%” – ông Đa nêu ví dụ. Tuy nhiên ông Đa cũng dự báo, trong thời gian tới thị trường sắt thép Việt Nam sẽ hạ nhiệt với tốc độ vừa phải và có thể sẽ xác lập mặt bằng giá mới.

 

Đề xuất thành lập Quỹ Bình ổn giá thép là không phù hợp

 

Mới đây tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với các DN sản xuất thép, đã có ý kiến đề xuất nên thành lập Quỹ Bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Tuy nhiên đề xuất này đã gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia kinh tế và của cả DN sản xuất thép.

 

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh phân tích, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật Quản lý giá nhưng mặt hàng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật nên việc đề xuất xây dựng Quỹ Bình ổn giá thép không phù hợp. Theo ông Ánh, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của Nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nêu rõ, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là do Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc tăng giá, chi phí vận tải cũng tăng vì vậy việc lập Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Quan trọng hơn cả đề xuất lập Quỹ bình ổn vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường, không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép trong thời gian qua.

“Đề xuất xây dựng Quỹ Bình ổn giá thép đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường, tạo ra những khoản chi không cần thiết, làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động của lĩnh vực thép trở nên phức tạp. Đồng thời gây bất lợi cho Việt Nam khi chúng ta đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA)” – ông Long nói.

 

Không chỉ các chuyên gia kinh tế phản đối việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép mà ngay cả DN sản xuất thép cũng không đồng tình việc thành lập quỹ này. Nguyên nhân là do giá thép đang cao, nếu đóng tiền thành lập quỹ thì người tiêu dùng “gánh hết”.

Còn khi giá giảm dưới giá thành sản xuất, DN sản xuất có được lấy kinh phí từ quỹ để bù lỗ hoặc điều hành tăng không? Đặc biệt vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu bởi các DN sản xuất thép đang hoạt động khá độc lập “mạnh ai nấy làm” nên có mức giá riêng cho sản phẩm của DN. Vậy, Bộ Công Thương, Tài chính sẽ lấy giá của DN nào để tham chiếu khi xây dựng giá sàn cần phải bình ổn giống như mặt hàng xăng dầu?

 

Biện pháp lâu dài và khả thi để bình ổn thị trường sắt, thép trong nước là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các DN sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu qua đó hạn chế sự tăng giá thép.

“Theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá cũng không được phép lập quỹ, trừ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền, việc lập Quỹ Bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.” – TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)


Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

 

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới