Do ảnh hưởng từ những nút thắt pháp lý, thủ tục hành chính của thị trường bất động sản, đặc biệt là phía Nam nên hiện nay nhiều công trình xây dựng lớn đã không thể triển khai, kéo theo sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ sụt giảm đáng kể.
Ảnh minh họa
Ông Bùi Thanh Cảnh – Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – VNSTEEL cho biết, hầu như sản lượng tiêu thụ thép của công ty trong phía Nam đều giảm mạnh, đối với thép Miền Nam trong tháng 4 năm 2019 đã giảm khoảng 25% so với tháng 3, nguyên nhân chính do những nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản chưa gỡ được nên gần như các công trình lớn đã án binh bất động. Từ đó tác động không nhỏ tới doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép.
Đối với thị trường bán lẻ, hiện nay tại phía Nam đang là mùa mưa, cộng với các tỉnh đang bị ảnh hưởng của dịch lợn, mất mùa… đã tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế nên việc triển khai xây dựng nhà dân cũng giảm mạnh, kéo theo là lượng thép tiêu thụ đều giảm.
Theo báo báo chung của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất các sản phẩm thép trong tháng 4 năm 2019 của các doanh nghiệp là thành viên của VSA đạt 2.176.262 tấn, giảm 4,1% so với tháng trước, tăng so với cùng kỳ là 8,5%. Trong đó, tiêu thụ đạt 2.032.683 tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng giảm 3,7% so với tháng trước.
Đối với thép xây dựng, trong tháng 4/2019 các doanh nghiệp sản xuất đạt 948.397 tấn, giảm 4% so với tháng 3, nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 923.590 tấn, giảm 3,7% so với tháng 3, nhưng tăng 9,9% so với tháng 4 năm 2018.
Riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng tiêu thụ trong tháng 4/2019 đạt 368.040 tấn, tương đương tháng 3, nhưng tăng 34,3% so với tháng 4 năm 2018. So với cùng kỳ 2018, so với sản phẩm thép khác thì thép cuộn cán nóng tiêu thụ tăng trưởng cao nhất, đây chính là lợi thế từ nhà máy gang thép Formosa.
Sản phẩm có sức tăng trưởng cao cũng phải kể đến thép cuộn cán nguội, tính trong tháng 4 năm 2018, tổng tiêu thụ của các doanh nghiệp đạt 236.981 tấn, tăng 16,51% so với tháng trước và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt 98.214 tấn, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, đối với sản phẩm tôn mạ Kim loại và Sơn phủ màu của các doanh nghiệp tiêu thụ trong tháng 4 năm 2019 đạt 308.944 tấn, giảm 9,95% so với tháng 3 và giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Khó khăn không kém là sản phẩm ống thép của các thành viên VSA, tiêu thụ trong tháng 4 đạt 195.128 tấn, giảm 1,89% so với tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chỉ đạt 17.625 tấn, giảm 22,7% so với tháng trước và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Từ phản ánh trên cho thấy, đầu ra của các sản phẩm thép trong tháng 4 năm 2019 hầu như giảm, giảm mạnh nhất là sản phẩm thép xây dựng, tôn và ống thép.
Tiêu thụ đã gặp khó, nhưng đầu vào cho các sản phẩm thép cũng gặp khá nhiều khó khăn do giá hầu như tăng, xong sức tiêu thụ tăng giảm không tương ứng. Điển hình như than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) ngày 08/5/2019 khoảng 181 USD/tấn, tăng khoảng 7USD/tấn so với đầu tháng 4/2019. Cũng so với thời điểm này, giá thép phế nhập khẩu ở cảng Đông Nam Á ở mức 313 – 315 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 4/2019. Tuy nhiên, đối với thị trường khác như khu vực châu Âu giá phế đang có chiều hướng tăng, trong khi thị trường châu Á và châu Mỹ đang chậm lại.
Về tình hình nhập khẩu, 4 tháng đầu năm 2019 nhập khẩu thép thành phẩm các loại đạt hơn 4,8 triệu tấn. Đáng chú ý, một số sản phẩm nhập khẩu tăng rất cao như: Thép (dài) cuộn nhập khẩu là 425.000 tấn, tăng 51,3%; thép hình 83.000 tấn, tăng 23%. Riêng trong tháng 4 năm 2019, lượng tôn mạ Kim loại và Sơn phủ màu nhập khẩu tăng 24%, trong đó tôn màu tăng 55%, tôn mạ kẽm tăng khoảng 25%.
Lý giải nguyên nhân sản phẩm tôn nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước bày tỏ quan ngại và cho rằng: Mỹ áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nên Trung Quốc quay đầu đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nước đã đưa ra biện pháp áp thuế tự vệ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Từ những yếu tố căn bản đó đã tác động không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, tiết giảm chi phí, chú trọng đến thị trường trong nước nhưng sức ép từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc áp đảo nên không thể chống chọi, dẫn tới tiêu thụ sụt giảm trong thời gian qua.
Để thị trường thép phát triển ổn định, các doanh nghiệp ngành thép đang rất mong chờ vào việc gỡ nút thắt trong thủ tục pháp lý về thị trường bất động sản; đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đưa ra các biện pháp ngăn chặn hàng kém chất lượng, chống bán phá giá… giúp cho thị trường thép minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp đầu tư làm ăn chân chính.
Nguồn tin: Congthuong