Thứ hai, Tháng chín 16, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcLiên tục bán tháo, giá thép bị thổi bay gần 5%

Liên tục bán tháo, giá thép bị thổi bay gần 5%

 Giá quặng sắt và giá thép cùng lúc có mức giảm tới 4,5-5,7% trên thị trường thế giới, tạo điều kiện để giảm giá thép trong nước.

Phân tích thị trường ngày 21.5 của Công ty chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) cho thấy, giá quặng sắt và thép của Trung Quốc bị bán tháo sau khi Chính phủ nước này yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn với các thị trường hàng hóa để kiềm chế giá lên quá cao, gây ra đợt điều chỉnh trên diện rộng.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 5,7% xuống 1.142,5 CNY (tương đương 177,4 USD/tấn), thậm chí trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua là 1.102 CNY/tấn.

Cùng lúc giá thép tiếp tục chuỗi giảm giá xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, giảm từ mức cao kỷ lục đạt được trong tuần trước. Giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 4,7% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 4,5%, thép không gỉ giảm 2,8%.

Việc giá quặng sắt và giá thép giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc phát tín hiệu tích cực tới giá thép tại thị trường trong nước bởi đây là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.


Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4.2021, sản lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 1,4 triệu tấn, dù giảm 2% nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tăng nhẹ 0,4% so với tháng 3, đạt 1,08 tỉ USD.

Trước đó, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt hơn 3,67 triệu tấn trong quý I/2021 với trị giá hơn 2,64 tỉ USD, tăng 11% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó trong 4 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu sắt thép ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,72 tỉ USD, tương đương mức tăng 37% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2021 với hơn 1,88 triệu tấn được nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm, đạt trị giá hơn 1,27 tỉ USD, tăng lần lượt gấp đôi về lượng và tăng 2,2 lần trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc cũng là thị trường chiếm 51,2% trong tổng lượng và chiếm 48,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với hơn 508 nghìn tấn, trị giá hơn 369 triệu USD, thị trường Hàn Quốc với hơn 398 nghìn tấn, trị giá hơn 359 triệu USD.

Trong các tháng gần đây, giá thép tại thị trường trong nước liên tục tăng mạnh với mức tăng lớn nhất lên tới 40% ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực xây dựng và các doanh nghiệp trong ngành này.

Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do giá thép tăng phi mã từ đầu năm đến nay với giá thép tháng 4 tăng khoảng 30-40% so với quý cuối năm 2020.

Điều bất ngờ là trong khi giá thép trong nước tăng cao do giá quặng tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước và phôi thép đầu vào tăng đột biến trong các tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp cũng tăng kỷ lục.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng bán hàng thép các loại đạt trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 9,4 triệu tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn tin: Lao động

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới