Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcKiện doanh nghiệp thép Trung Quốc bán phá giá

Kiện doanh nghiệp thép Trung Quốc bán phá giá

 Công ty Posco SS Vina nộp đơn khởi kiện việc bán phá giá đối với thép hình chữ H của Nhà máy Alliance Steel có 100% vốn từ Trung Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy sau 10 tháng năm 2019, lượng sắt thép các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 12,24 triệu tấn có tổng trị giá 8,1 tỷ USD, tăng 7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam 10 tháng qua với 4,64 triệu tấn, trị giá đạt 2,95 tỷ USD.

Từ đầu năm 2017, thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, mức thuế được áp dụng từ 20,48 – 29,17%.

Kết quả điều tra khi đó cho thấy thép hình chữ H từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bán phá giá khiến sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam lao đao. Sau khi thuế chống bán phá giá được áp dụng với thép hình Trung Quốc, sản phẩm này vào Việt Nam có xu hướng giảm. Thế nhưng theo ghi nhận của các đại lý và doanh nghiệp, thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam từ Malaysia lại tăng đột biến. Trong đó, chủ yếu là sản phẩm từ Nhà máy Alliance Steel ở Malaysia. Nếu như năm 2018, thị phần thép hình chữ H của Alliance Steel chỉ chiếm 0,4% tại thị trường Việt Nam thì ước tính cả năm 2019 sẽ tăng lên gần cả trăm ngàn tấn.

Cụ thể, từ tháng 1-10/2019, đã có 60.000 tấn thép hình chữ H của Alliance Steel được nhập khẩu vào Việt Nam, và trong tháng 12 này có khoảng 35.000 tấn sẽ được tiếp tục nhập. Số lượng này chiếm gần 30% trong tổng số nhu cầu của thị trường trong nước mỗi năm. Công ty này chỉ mới chính thức bán hàng ra thị trường trong cuối năm 2018 và cũng từ đây lượng thép xuất khẩu vào Việt Nam gia tăng mạnh vì đây là thị trường mục tiêu chính của họ.

Đáng chú ý, Nhà máy Alliance Steel tại Malaysia có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Các vị trí chủ chốt và hầu hết công nhân tay nghề cao cũng được đưa từ Trung Quốc sang…

Doanh nghiệp trong nước lao đao với thép Trung Quốc

Theo thông tin trên báo Thanh niên, đầu tháng 12/2019, Công đoàn của Công ty Posco SS Vina đã gửi đơn kiến nghị khẩn thiết đến Bộ Công thương về việc thép hình chữ H nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam khiến công ty liên tục thua lỗ.

Cụ thể, do muốn xuất khẩu vào Việt Nam – một thị trường dễ tính, Alliance Steel đã phá giá thị trường khi bán sản phẩm với giá thấp hơn Posco gần 60 USD/tấn.

Posco SS Vina cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ hằng năm lên đến 20 triệu USD của công ty này. Số lỗ lũy kế từ năm 2015 đến hết năm 2019 của Posco SS Vina lên tới 200 triệu USD.

Posco SS Vina đã và đang tiến hành khởi kiện việc bán phá giá đối với thép hình chữ H của Alliance Steel và đã hoàn tất nộp đơn khởi kiện việc bán phá giá này vào ngày 6/11/2019.

Việc doanh nghiệp ở Việt Nam chủ động khởi kiện chống bán phá giá như trường hợp của Công ty Posco SS Vina không nhiều. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào, ngành hàng nào cũng ý thức và chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi cho chính mình cũng như nền sản xuất trong nước.

Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương chia sẻ trên báo chí, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu đoàn kết của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp không thống nhất được với nhau về mặt lợi ích, không thống nhất được vấn đề ai, doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm đứng đơn nộp hồ sơ hoặc có thể vì các doanh nghiệp không muốn thông tin kinh doanh của mình bị lộ ra ngoài…

Ví dụ, khi doanh nghiệp A muốn kiện Trung Quốc nhưng doanh nghiệp B lại muốn kiện Indonesia, doanh nghiệp C lại muốn kiện Thái Lan… bởi bản thân doanh nghiệp họ đang nhập khẩu từ các quốc gia kia…

Cũng theo bà Giang, mục tiêu của Bộ Công thương cũng như Chính phủ là muốn các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh một cách bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, hạn chế những công cụ có tính chất bảo hộ sản xuất trong nước như chống bán phá giá.

Trên thực tế, Bộ Công thương chưa bao giờ chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong việc sử dụng hoặc có ý lạm dụng công cụ này. Vì trong dài hạn sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu chúng ta không có biện pháp nào hỗ trợ sản xuất trong nước, đối phó với hàng nhập khẩu có giá thấp phi lý thì chúng ta có thể mất trắng hoàn toàn ngành sản xuất trong nước đó. Khi đó, chúng ta phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu, không thể kiểm soát giá. Do đó, trong dài hạn, chúng ta cần bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Nguồn tin: Baodatviet

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới