Tình hình tăng “phi mã” của giá thép trong nước thời gian gần đây có ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành Xây dựng. Giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm giá thép chính là tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, bình ổn giá, ưu tiên thép cho thị trường trong nước, chủ động thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng…
Giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu,
cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng khiến giá thép tăng mạnh (Nguồn: Internet).
Giá thép không ngừng tăng cao
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trước những diễn biến của giá nguyên liệu trên thế giới tăng, giá bán thép trong nước cũng điều chỉnh tăng, đặc biệt là cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, giảm trong tháng 2, tăng trở lại vào tháng 3/2021 và tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, giá phôi nội địa trong nước là 13.500 – 13.600đ/kg và giá phôi giao dịch Đông Nam Á là 633 USD/tấn ngày 08/04/2021. Mức giá thép xây dựng tại thị trường Việt Nam đầu tháng 4/2021 tăng tương ứng với mức tăng nguyên liệu sản xuất thép, như giá quặng sắt ngày 08/04/2021 giao dịch ở mức 170 – 172 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng đáng kể khoảng 30 – 32 USD/tấn tương ứng với mức tăng 25 – 30% so với đầu tháng 12/2020.
Từ xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 có nhiều biến động, dẫn đến giá cả thị trường thép trong nước quý I và đầu quý II/2021 diễn biến phức tạp như trên, các chuyên gia nhận định, năm 2021, giá thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới khác với thời kì hậu khủng hoàng tài chính 2008 (là giá bán các sản phẩm thép liên tục giảm giai đoạn 2009 – 2010. Nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.
Lý giải nguyên nhân của việc tăng giá này, Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Đồng nghĩa, giá thép sẽ có khả năng còn tăng.
Không những thế, giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển…
Đề cập đến việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite…, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
Trong năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cố khoảng 6,5 triệu tấn và điện cự graphite khoảng 10.000 tấn…
Dự báo quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Cũng theo Cục Công nghiệp, thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Ưu tiên thép cho thị trường trong nước
Đó là nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong thông báo mới phát đi của Văn phòng Chính phủ về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước.
Trong đó, giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Với Bộ Xây dựng, cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Trước tình hình giá thép tăng “phi mã”, từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã chủ động dự báo tình hình cung – cầu và biến động giá cả các sản phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tới báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 5/2/2021.
Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành cùng phối hợp như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… triển khai các giải pháp dài hạn nhằm ổn định cung – cầu và giá thép năm 2021.
Trong đó, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị lileen quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực…) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt…
Về nguồn cung thép xây dựng, Bộ Công Thương khẳng định, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua nên năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu…
Nguồn tin: Xây dựng