“Cơn bão” giá thép đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, tiếp tục thực hiện hợp đồng không nổi mà huỷ hợp đồng cũng không xong.
Giá thép tăng “dựng đứng” 48% kể từ cuối năm 2020 đến nay đang là mức cao kỷ lục đối với thị trường trong nước. Sắt thép luôn là vật liệu chính chiếm giá trị lớn trong các công trình xây dựng, nếu mặt hàng này trong thời gian tới tiếp tục tăng sẽ kéo theo giá bất động sản, nhà ở và các loại hàng hóa khác cũng tăng theo.
“Cắn răng” huỷ hợp đồng, chấp nhận bồi thường
Trả lời VTC News, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) cho biết, giá thép tăng đến nay có thể chia 2 giai đoạn.
Cụ thể, cuối tháng 11/2020 đến cuối tháng 3/2021 tăng từ 11.800 đồng/kg lên 15.400 đồng/kg (27%); đầu tháng 3/2021 đến nay tăng từ 15.400 đồng/kg lên 18.700 đồng/kg (21,5%). Như vậy, từ khoảng cuối năm 2020 đến nay giá thép tăng đến 48,5%.
Theo ông Dũng, tỷ trọng giá trị thép trong giá trị đầu tư xây dựng cao tầng chiếm khoảng 10% – 12%. Do đó, việc giá thép tăng nóng trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến ngành bất động sản. Với các dự án đang triển khai, chủ đầu tư đã xác định suất đầu tư, giá bán… thì việc tăng giá này đã ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Center (TP.HCM), sự biến động tăng giá của nguyên vật liệu xây dựng đang khiến thị trường xây dựng trở nên náo loạn, thành “ác mộng” của các nhà thầu, nhất là đối với các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.
“Đối với một công trình xây dựng, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm 40 – 70% tổng dự toán công trình. Chính vì vậy, nếu chỉ tính riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu như xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch thì đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 – 1,4 lần”, ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng, đây cũng chính là lý do khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp huỷ hợp đồng, chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Điển hình là Công ty TNHH Phát triển Xây dựng Tấn Tài (TP.HCM), hơn một tháng nay ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc công ty phải chạy đôn chạy đáo tìm gặp các đối tác để xin được thương thảo lại hợp đồng đã ký trước đó.
Ông Tấn cho biết, tại thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, giá sắt thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg nên thống nhất mức 3,6 triệu đồng/m2. Hiện tại giá thép đã tăng lên gần 20.000 đồng/kg nhưng vẫn phải áp dụng mức như hợp đồng đã ký kết.
“Thật sự mà nói, nếu không thương thảo lại và cứ tiếp tục thi công thì công ty chúng tôi lỗ rất nặng. Nếu giá vật tư chỉ tăng khoảng 5% thì chúng tôi có thể “buộc bụng”, chấp nhận tiếp tục thi công để giữ uy tín. Tuy nhiên, tăng chóng mặt như đà này thì chúng tôi không thể trụ nổi. Nếu không thương thảo được thì đành đơn phương hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường”, ông Tấn cho hay.
Giá thép tăng “dựng đứng” 48% kể từ cuối năm 2020 đến nay đang là mức cao kỷ lục đối với thị trường trong nước.
Được biết, lo ngại trước đà tăng mạnh tiếp theo của giá nguyên liệu thép, một số doanh nghiệp phải dành lượng lớn tiền để nhập dự trữ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực xây dựng, do sắt thép chiếm đến 40% giá trị công trình nên doanh nghiệp khó có đủ nguồn vốn để dự phòng. Chính vì vậy, họ phụ thuộc hoàn toàn vào biến động thị trường.
Kiến nghị có chính sách điều tiết khung giá
Trả lời VTC News, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng HB khẳng định, giá nguyên vật liệu tăng chắc chắn ảnh hưởng đối với các hợp đồng xây dựng đã ký kết, dẫn tới giá ngân sách dự toán bị vượt, làm không còn lợi nhuận, bị thua lỗ.
Không chỉ thép tăng mà xi măng, cát, đá đều tăng chóng mặt, và còn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, khiến các nhà thầu vô cùng khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư.
Trong khi đó, chủ đầu tư cũng khó chấp thuận giãn tiến độ thi công hoặc điều chỉnh giá hợp đồng do ngại ràng buộc pháp lý về tiến độ bàn giao nhà và giá bán sản phẩm theo hợp đồng với khách hàng. Do đó, đối với các hợp đồng ký mới thì đơn vị bắt buộc phải điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình giá nguyên vật liệu tăng phi mã như hiện nay.
“Một điều rõ ràng ai cũng có thể thấy đó là nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần xem xét hạn chế việc xuất khẩu nguyên vật liệu để đảm bảo cho nhu cầu cung ứng cho thị trường xây dựng trong nước. Cần áp dụng mức đánh thuế cao xuất khẩu nguyên vật liệu, giảm thuế nguyên vật liệu đầu vào cho các đơn vị sản xuất trong nước.
Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách điều tiết về khung giá trần của giá nguyên vật liệu, tránh tình trạng như hiện nay giá thép tăng một cách bất thường, không ai có thể dự đoán trước được”, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng HB kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, dù công ty đã có những kế hoạch chủ động trước về tình trạng giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, tuy nhiên xét về lâu dài thì phải có những phương án phù hợp.
“Thực tế hiện nay, ngoài thép còn các vật liệu khác tăng giá như đồng, gỗ… Vì vậy, việc ảnh hưởng giá bán bất động sản là sự điều tiết bình thường trong cấu thành giá. Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ có những chính sách để cùng chung tay góp phần bình ổn trong phạm vi, song rất cần cơ quan quản lý Nhà nước cũng tích cực tham gia điều tiết để giảm nhiệt tăng các vật tư thiết yếu trên”, ông Dũng nói.
Lo lắng trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp “vỡ trận”, phá sản vì giá thép tăng phi mã, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã gửi văn bản “kêu cứu” tới Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, VACC kiến nghị có sự chỉ đạo sớm các bộ, ngành liên quan kiểm tra và xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến. Cùng với đó, Hiệp hội này kiến nghị Sở Xây dựng phải cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.
Đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp, thì Nhà nước nên sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo giá thị trường. Còn đối với công trình đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội, cần phải có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu.
Nguồn tin: VTCNews