Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcGiá thép ‘phi mã’ ảnh hưởng tới ngành xây dựng: Nhà quản...

Giá thép ‘phi mã’ ảnh hưởng tới ngành xây dựng: Nhà quản lý làm gì?

 Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát diễn biến của thị trường để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá thép đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Trước tình hình giá thép đang tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các cơ quan liên quan đề nghị thực hiện các giải pháp để giảm thiểu biến động giá thép đến hoạt động xây dựng; tránh bị tác động bởi các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Giá thép tăng không theo quy luật

Theo Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường. Điều này đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Khảo sát thị trường cho thấy trong tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300-900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất. Việc điều chỉnh này trên thực tế đã khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh.

Trong tháng 4/2021, giá thép tiếp tục tăng lên khoảng 1.600-1.700 đồng/kg tùy từng chủng loại. Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 16.200-17.800 đồng/kg tùy chủng loại và nhà sản xuất. Đây là giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng…

Gần đây nhất, ngày 12/5, ba thương hiệu thép nổi tiếng là Hòa Phát, Việt Úc, Việt Đức cũng đã có thông báo tăng thêm 500 đồng/kg.

Căn cứ tình hình thực tế, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận,” phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4.

Tại Nghị định số 10/2021/NĐ -CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.”

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Ngăn chặn đầu cơ, thổi giá

Nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường. Đơn vị này phải kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu có biến động giá lớn, trong trường hợp cần thiết Sở Xây dựng cần công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép, đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý.

Các bộ, ngành và các địa phương lưu ý tới các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng; tập trung đánh giá số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng; dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng nguồn vốn thực hiện…

Đối với các tổ chức như: Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị tổng hợp, cung cấp các thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng (nếu có) liên quan đến các nội dung trên và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng hội và các Hiệp hội chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung nêu trên; có ý kiến gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 20/5 tới để Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.

Nguồn tin: Vietnam+

 

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới