Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thép ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam, Công ty thép Kyoei Steel của Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng mạnh công suất thép.
Tờ Nikkei cho biết, Công ty thép Kyoei Steel của Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất 1,2 triệu tấn thép xây dựng tại Việt Nam vào năm 2020. Dự kiến con số này sẽ tăng khoảng 50% so với sản lượng của doanh nghiệp này tại Việt Nam hồi năm ngoái.
Thị trường thép xây dựng của Việt Nam được cho là sẽ tăng 30% trong 5 năm tới, lên tới 12 triệu tấn năm 2020. Theo đó, Kyoei Steel đang hướng tới chiếm 10% thị phần thép tại Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, Kyoei Steel đã đầu tư 170 triệu USD vào nhà máy sản xuất thép bằng lò điện ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty này cũng đang tham gia góp vốn vào liên doanh cảng quốc tế Thị Vải. Khi được hoàn thành vào tháng 3.2018, cảng này sẽ giúp Kyoei nhập thép phế liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất.
Ngoài ra, dự kiến Kyoei sẽ nâng khối lượng sản xuất và vận chuyển lên tới 900.000 tấn/năm, tăng từ mức 550.000 tấn trong năm ngoái. Tại một nhà máy sản xuất thép khác ở Ninh Bình, Kyoei cũng đang có ý định tăng sản lượng lên khoảng 300.000 tấn một năm từ 230.000 năm ngoái.
Hiện nay, nhu cầu xây dựng trong nước đang ở mức tốt nên sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức khá cao. Tổng kim ngạch trong 8 tháng đầu năm tăng lên khoảng 12,6 triệu tấn và giá trị kim ngạch đạt 5,26 tỉ USD, tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng dư thừa thép xây dựng trên thị trường hiện nay cũng không phải nhỏ, nên quyết định gia tăng công suất sản xuất thép xây dựng của Kyoei được cho sẽ mạo hiểm khi công ty này có thể góp phần làm tăng mức dư thừa thép trên thị trường.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn hướng tới các loại thép giá rẻ từ Trung Quốc nhập về. Trong 7 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp thép chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 59% về lượng và 56% về kim ngạch. So với cùng kỳ năm trước, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 31% về lượng và tăng 3% về giá trị.
Trước bối cảnh các nhà sản xuất thép trong nước liên tục mở rộng công suất ở mức lớn, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về thép xây dựng trong nước đã dư thừa rất lớn, Hiệp hội Thép Việt Nam đã phải liên tục lên tiếng về việc dư thừa công suất thép. Mỗi lần có một dự án thép được đề xuất, tôi lại thấy các chuyên gia ngành lên tiếng phản đối. Họ lên tiếng vì họ lo cho số phận của ngành, lo cho số phận của những doanh nghiệp liên tục nhảy vào sản xuất thép trong khi thị trường đã dư thừa công suất.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang dư thừa công suất thép cực kỳ lớn, dự kiến dư thừa 1.600 triệu tấn/năm, trong đó có cả thép giá rẻ. Doanh nghiệp nước ta nhập rất nhiều. Với công suất lớn như vậy, họ sẽ phải tăng tốc độ bán hàng để không lãng phí đầu tư. Bối cảnh này có thể thấy rằng, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng và lợi thế nhiều hơn so với các doanh nghiệp sản xuất thép của nước ta”.
Cũng theo bà Lan, để có thể cạnh tranh được với nguồn cung từ các nước cũng như sản xuất ra thị trường không sợ bị dư thừa, các nhà sản xuất thép trong nước cần phải làm một chủng loại thép mới hoàn toàn, chưa có và đang rất cần. Ví dụ như thép cao cấp, thép tấm… là những loại thép rất quan trọng và cần thiết cho việc phục vụ như đóng tàu và trong ngành cơ khí.
“Lúc đó thì mới nghĩ đến việc cạnh tranh với nguồn cung khác, chứ còn thép xây dựng là thứ rất dư thừa. Vì vậy, việc tăng khối lượng sản xuất thép xây dựng là điều cực kỳ nguy hiểm, cần phải đánh giá tâm lý thị trường thật kỹ càng và cẩn thận”, bà Lan cho hay.
Nguồn tin: Một thế giới