Vụ việc tập đoàn Hoa Sen đề xuất kế hoạch xây dựng tổ hợp sản xuất thép ở Cà Ná, Ninh Thuận – ngay giữa thời điểm mà sự cố môi trường gây ra bởi dự án thép của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh vẫn còn chưa được giải quyết xong – đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Chính phủ và những câu hỏi từ Hoa Sen
Trong khi người dân và nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về rủi ro môi trường, chính quyền Ninh Thuận lại thể hiện sự ủng hộ dành cho Hoa Sen, thông qua việc đề xuất một loạt ưu đãi cho dự án này. “Bóng” giờ đang nằm trong chân Chính phủ. Nhưng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho số phận dự án, một loạt vấn đề Chính phủ cần cân nhắc.
Thứ nhất là hiệu quả kinh tế và khả năng tạo việc làm. Một tiêu chí đúng đắn mà Chính phủ đưa ra cho việc đánh giá các dự án gần đây là số lượng việc làm mà dự án tạo ra. Với dự án này, Hoa Sen hứa hẹn rằng khi hoàn thành sẽ tạo ra 45.000 lao động cho địa phương. Xét từ góc độ tỉnh Ninh Thuận, đó là một con số hấp dẫn. Nhưng Chính phủ, với tư cách phục vụ lợi ích quốc gia, còn cần nhìn cả khả năng tạo việc làm của cả ngành và mức độ lan tỏa của ngành ra toàn nền kinh tế, chứ không phải là một dự án riêng biệt. Ở khía cạnh này, các nghiên cứu kinh tế đều cho thấy rằng thép không phải là ngành tạo ra ảnh hưởng lan tỏa cao đến nền kinh tế và việc làm. Do vậy, thay vì dùng ưu đãi từ nguồn lực công (cụ thể ở đây là ưu đãi thông qua đất đai, nước, điện được trợ giá) cho Hoa Sen nói riêng, và ngành thép nói chung, liệu có nên dùng ưu đãi cho các ngành sản xuất khác có thể tạo ra nhiều việc làm hơn là ngành thép?
Thứ hai là những hứa hẹn về khoản thuế Hoa Sen có thể đóng góp cho ngân sách địa phương. Cần phải có những tính toán kỹ lưỡng hơn về lập luận này. Bởi ngay chính Hoa Sen tiết lộ, mục tiêu lâu dài của dự án là xuất khẩu thép chứ không chỉ là giới hạn trong thị trường trong nước. Với một loạt ưu đãi rất lớn từ phía Nhà nước liên quan đến các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm như nói trên, cần phải xem xét đến khả năng Hoa Sen có bị kiện bán chống phá giá khi xuất khẩu không. Sản phẩm thép Trung Quốc đang bị kiện chống bán phá giá ở nhiều nước. Nếu Hoa Sen rơi vào hoàn cảnh tương tự, khả năng lợi nhuận, cũng như rủi ro thua lỗ của Hoa Sen thế nào? Bởi nếu không có lợi nhuận thì lấy đâu ra tiền để Hoa Sen đóng thuế thu nhập doanh nghiệp! Vì thế, khả năng về lâu dài Hoa Sen có thể góp phần tăng nguồn thu từ thuế cho địa phương vẫn cần được tính toán kỹ lưỡng hơn.
Thứ ba, bài toán kinh tế của Hoa Sen cần đặt được trong bối cảnh phát triển chung của toàn vùng – đặc biệt là xét trên tương quan thế mạnh du lịch biển của vùng này. Chi phí và lợi ích giữa làm thép và du lịch cần được tính toán tổng thể, không chỉ riêng cho Ninh Thuận mà cần xem xét cả Khánh Hòa và Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thứ tư là yếu tố công khai minh bạch trong việc thu hút và ưu đãi đầu tư. Chính phủ mới đã tuyên bố rất rõ ràng và nhất quán về việc xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch. Vì vậy, dù có chấp thuận hay không chấp thuận dự án của Hoa Sen, quá trình đánh giá và phê duyệt dự án này cần được thông tin đầy đủ và minh bạch đến người dân và doanh nghiệp khác. Cần nêu rõ được vì lý do gì Hoa Sen được chọn? Có sự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác không, hay Hoa Sen là nhà đầu tư duy nhất? Chuyện các doanh nghiệp lớn “bắt tay”, thậm chí là “đi đêm” với các cơ quan quyết định chính sách – hay “chủ nghĩa thân hữu” như cách gọi của giới chuyên gia – đang là vấn nạn nhức nhối của nước ta. Do đó, nếu không minh bạch trong câu chuyện Hoa Sen – niềm tin vào Chính phủ mới có nguy cơ tiếp tục bị xói mòn.
Qua cách Chính phủ xử lý bài toán Hoa Sen, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội kiểm chứng trên thực tế việc thực thi các tuyên bố và cam kết cải cách mà Chính phủ đã nhiều lần đưa ra.
Và cuối cùng, cũng là vấn đề quan trọng nhất: quan ngại về vấn đề môi trường, không chỉ cho riêng Ninh Thuận mà là toàn bộ khu vực Nam Trung bộ. Vấn đề này, có lẽ không cần phân tích thêm, bởi bài học từ dự án thép của Công ty Formosa tại Hà Tĩnh với toàn bộ khu vực Bắc Trung bộ đã quá rõ ràng. Chuyên gia Vũ Quang Việt đưa ra một phân tích đáng chú ý: nếu đưa chi phí về môi trường vào dự án thì hầu như các doanh nghiệp thép khó có lãi. Còn nếu doanh nghiệp thép có lãi chắc chắn môi trường bị hủy hoại(1). Nếu chọn làm thép theo cách hy sinh môi trường, chỉ Hoa Sen có lãi, và tỉnh Ninh Thuận có “thành tích” – còn chi phí cao hơn nhiều, sẽ chia và đổ lên đầu toàn bộ người dân, nhất là người dân trong khu vực dự án.
Hoa Sen và mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ
Vượt ra ngoài những vấn đề kỹ thuật nêu trên, Hoa Sen thực sự là một phép thử với Chính phủ mới. Bởi qua cách Chính phủ xử lý bài toán Hoa Sen, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội kiểm chứng trên thực tế việc thực thi các tuyên bố và cam kết cải cách mà Chính phủ đã nhiều lần đưa ra.
Xét từ góc độ chính quyền địa phương, việc Ninh Thuận đề xuất những ưu đãi lớn dành cho Hoa Sen là có thể hiểu được. Sức “cám dỗ” của lời hứa hẹn về hàng chục ngàn việc làm, hàng chục ngàn tỉ đồng thu ngân sách, con số tăng trưởng GDP vùng cao hơn hàng chục tỉnh bạn thật khó mà cưỡng lại, nhất là với một tỉnh nghèo như Ninh Thuận – điều cũng từng xảy ra với Hà Tĩnh trong câu chuyện Formosa. Nhưng đứng ở góc độ quốc gia, Chính phủ cần dũng cảm nói không với GDP “bẩn” – đúng như cam kết “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng” của Thủ tướng.
Cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ đã lựa chọn đúng đắn – cải cách môi trường kinh doanh và phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, chứ không phải là những ưu đãi về đất đai, vốn, hay tài nguyên. Nói không với những “dự án tỉ đô” đầy cám dỗ và cũng đầy rủi ro ô nhiễm đồng nghĩa với việc chấp nhận GDP sẽ tụt giảm trong ngắn hạn. Nhưng lợi ích mang lại bởi sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp, bởi phát triển bền vững sẽ lớn lao hơn nhiều trong dài hạn.
Tôi tin rằng, người dân và doanh nghiệp chắc chắn đủ sáng suốt để ủng hộ Chính phủ lùi một bước trong cái gọi là “thành tích tăng trưởng” để tiến những bước dài hơn trên con đường phát triển bền vững về sau.
Cần sự giám sát của người dân và các chuyên gia độc lập
Trên góc độ lý thuyết, việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển một dự án nào đó hoàn toàn thuộc về quyền chủ động của doanh nghiệp đó. Một khi doanh nghiệp đã quyết định bỏ tiền ra đầu tư thì người lao động, người tiêu dùng, và Nhà nước là những chủ thể được hưởng lợi đầu tiên. Người lao động sẽ có thêm việc làm, người tiêu dùng sẽ có thêm nhà cung cấp mới, và Nhà nước thu được thêm tiền thuế. Còn doanh nghiệp thì có thể thu được lợi nhuận nếu tính toán ban đầu là đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên thì mọi dự án đều có thể gây ra những ảnh hưởng ngoại hiện tiêu cực cho những người xung quanh như phát thải gây ô nhiễm môi trường. Những gì vừa xảy ra tại dự án sản xuất thép của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh là một ví dụ minh họa rõ nét cho việc này.
Về mặt nguyên tắc, chủ dự án sẽ cần phải đàm phán, thương lượng với tất cả các chủ thể xung quanh về những nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra. Nếu các bên thấy rằng mức đền bù cho việc gây ô nhiễm ở mức độ nào đó là chấp nhận được thì sẽ đồng ý để cho chủ dự án xây dựng.
Quy hoạch chỉ có ý nghĩa tương đối trong việc định hướng đầu tư, phát triển trong tương lai. Nó không phải là một cái khung cứng nhắc – không thể điều chỉnh, thay đổi.
Dự án thép ở Cà Ná, Ninh Thuận mà tập đoàn Hoa Sen đề nghị xây dựng rơi vào trường hợp này. Trước đó, dự án thép này không có trong quy hoạch (hoặc chính xác hơn là đã được bỏ ra khỏi quy hoạch trước đó nữa), nhưng với đề xuất của tập đoàn Hoa Sen, nó đã được cân nhắc đưa trở lại quy hoạch. Vấn đề còn lại, do vậy, sẽ là liệu các bên liên quan có thể chấp nhận được lợi ích và chi phí mà dự án này có thể mang lại hoặc gây ra cho mình hay không.
Với các dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường trên diện rộng thì Chính phủ hoặc chính quyền địa phương sẽ đứng ra làm đại diện cho người dân để thương lượng về đền bù và các cam kết về mức độ gây ô nhiễm môi trường ở dưới một ngưỡng chấp nhận được. Nhà nước cũng chính là bên sẽ đứng ra để giám sát mức độ tuân thủ cam kết của chủ dự án.
Đa số người dân và các doanh nghiệp nhỏ (bị ảnh hưởng) thường có ít hiểu biết về các tác động môi trường của một dự án nào đó. Vì lẽ đó, sự tham gia của đại diện trực tiếp của người dân và các chuyên gia độc lập là cần thiết để tìm hiểu và xem xét các đánh giá các tác động môi trường mà chủ dự án thực hiện và vai trò đại diện của Nhà nước trong việc thương lượng với chủ dự án có thỏa đáng hay chưa. Tùy từng quy mô và mức độ ảnh hưởng, đại diện của người dân có thể ở cấp xã, huyện, tỉnh hoặc Quốc hội đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Nguồn tin: KTSG