Thứ Sáu, Tháng Bảy 26, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcCần hạn chế bất ổn dư thừa nguồn cung thép không gỉ...

Cần hạn chế bất ổn dư thừa nguồn cung thép không gỉ tại Việt Nam

 Giá thép thế giới giảm mạnh khiến ngành thép đối diện với một năm gặp nhiều khó khăn do gia tăng áp lực cạnh tranh nội địa cũng như giảm bớt triển vọng xuất khẩu.

Những năm gần đây, ngành thép không gỉ tuy được hưởng lợi, lưu thông hàng hoá dễ dàng hơn, nhưng thị trường đang dư cung khi các doanh nghiệp sản xuất ồ ạt và đặc biệt là sự đổ bộ của thép không gỉ Trung Quốc vào Việt Nam.

Ngành thép Việt đối diện với một năm gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất các sản phẩm thép đã đáp ứng dư thừa nhu cầu các chủng loại sản phẩm thép, đặc biệt là chủng loại thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ.

Hiện nay, hoạt động xuất khẩu thép không gỉ cán nguội đang gặp khó khăn vì có nhiều nhà sản xuất lớn ở Đông Nam Á và nguồn cung trong khu vực vượt quá nhu cầu từ thị trường. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ và EU cũng khó do bị áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép.

“Thị trường thép không gỉ trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đổ bộ của các sản phẩm Trung Quốc. Nếu có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường thông qua hoạt động thu hút đầu tư vào các dự án thép không gỉ cán nguội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất và làm giảm hiệu quả đầu tư”, đại diện VSA nhấn mạnh.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Công – Tổng Giám đốc Tập đoàn Inox Hoàng Vũ chia sẻ, thời điểm này thị trường thép không gỉ đang tăng trưởng chậm, chỉ từ 7 – 10%, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước lại đang sản xuất ồ ạt, bên cạnh đó hàng Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam tương đối nhiều dẫn đến dư cung.

Mặc dù Trung Quốc có các sản phẩm thép không gỉ chất lượng cao, nhưng đa số sản phẩm đưa vào thị trường Việt Nam lại có chất lượng thấp, giá thành cũng thấp dẫn đến cạnh tranh với sản phẩm nội địa. Các doanh nghiệp Việt rất mong Chính phủ có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, mác thép để đảm bảo đúng chất lượng tương xứng với giá cả.

Cũng theo ông Công, ở góc nhìn của Tập đoàn inox Hoàng Vũ thì thị trường tiêu thụ sản phẩm chính vẫn là trong nước, mỗi năm doanh nghiệp chỉ xuất khẩu ra nước ngoài khoảng 10-15% sản lượng. Chính vì vậy để tiêu thụ được nhiều ở nội địa, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để đưa sản phẩm vào các công trình xây dựng và giao thông công cộng của nhà nước.

“Một ví dụ điển hình như tuyến đường sắt trên cao cần rất nhiều sản phẩm thép không gỉ, tuy nhiên nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án này, đương nhiên họ sẽ sử dụng sản phẩm của Trung Quốc, điều này khiến doanh nghiệp trong nước “bó tay” trên sân nhà”, ông Công cho hay.

Cùng quan điểm đó khi đưa ra nhận định về ngành thép năm 2019, đại diện Công ty chứng khoán Phú Hưng cho rằng giai đoạn này, ngành thép xuất hiện sự phân hóa rõ nét giữa các mảng thép cũng như các doanh nghiệp. Theo đó, cơ hội cũng như thách thức có thể sẽ xuất hiện riêng biệt thay vì cho cả toàn ngành như giai đoạn trước. Đồng thời, giá thép thế giới giảm mạnh khiến ngành thép đối diện với một năm gặp nhiều khó khăn do gia tăng áp lực cạnh tranh nội địa cũng như giảm bớt đi triển vọng cho mảng xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, Việt Nam dần dần sẽ tiến đến xoá bỏ các hàng rào bảo hộ sản phẩm trong nước để các doanh nghiệp có cuộc cạnh tranh công bằng hơn, sản phẩm hoàn toàn chịu sự điều tiết của thị trường. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức cạnh tranh lành mạnh, đầu tư máy móc công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng tốt hơn, mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Để hạn chế những bất ổn về dư cung trong nước, Hiệp hội thép Việt Nam cũng đã từng lên tiếng về việc yêu cầu đề nghị không cấp phép các dự án thép không gỉ mới của Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tránh mất cân đối cung cầu cũng như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Bởi lẽ các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam và thậm chí đã đồng ý bán sản lượng của họ ở mức thua lỗ để giành được nhiều đơn đặt hàng hơn và trang trải chi phí vận hành cố định. Đồng thời Hiệp hội cũng đưa ra khuyến nghị nên khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án sản xuất hợp kim và thép chất lượng cao.

Nguồn tin: enternews

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới