Thứ hai, Tháng chín 16, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcCác “đại gia” ngành thép phá đỉnh lợi nhuận quý 3/2020, quán...

Các “đại gia” ngành thép phá đỉnh lợi nhuận quý 3/2020, quán quân tăng trưởng báo lãi gấp 13 lần

Không ít doanh nghiệp ngành thép kịp thời thích ứng trước những tác động của dịch Covid-19 qua đó báo lãi tăng trưởng mạnh, chuyển lỗ thành lãi hay thậm chí báo lãi kỷ lục.

Năm 2020 là năm hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ngành thép cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi hàng loạt dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động.

Dù vậy, trong số các doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính không có cái tên nào báo lỗ quý 3 vừa qua. Bên cạnh những khoản lợi nhuận sụt giảm mạnh trong kỳ, có không ít doanh nghiệp kịp thời thích ứng vẫn báo lãi tăng trưởng mạnh, chuyển lỗ thành lãi hay thậm chí báo lãi kỷ lục.

NHIỀU DOANH NGHIỆP CÓ LỢI NHUẬN TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Quán quân tăng trưởng bất ngờ thuộc về Thép Nam Kim (mã NKG) khi doanh nghiệp này báo lãi sau thuế quý 3/2020 đạt 82,6 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu chỉ tăng 10% lên mức 3.376 tỷ đồng tuy nhiên chi phí giá vốn giảm đồng thời doanh thu tài chính tăng là nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận tăng đột biến trong kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim đạt 8.141 tỷ đồng doanh thu, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ, lên mức 141,4 tỷ đồng qua đó hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Trong khi đó, Hòa Phát (mã HPG) tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận trong quý 3/2020 với 3.785 tỷ đồng, gấp đôi kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 65.000 tỷ đồng doanh thu và 8.845 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ.

Một “đại gia” ngành thép khác là Hoa Sen Group (mã HSG) cũng báo lãi kỷ lục 450 tỷ đồng quý 4 niên độ tài chính 2019 – 2020 (từ 1/10/2019 – 30/9/2020), gấp 5,4 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng trưởng đột biến chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể trong khi các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm.

Tính chung toàn niên độ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hoa Sen Group đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 219% so với niên độ trước đó. Kết quả này giúp doanh nghiệp vượt xa kế hoạch kinh doanh được giao cho toàn niên độ tài chính 2019 – 2020 (400 tỷ đồng).

Hoa Sen Group cho biết đây là kết quả của việc tái cấu trúc công ty, thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung cải thiện trình độ kỹ thuật công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, bán hàng vào các thị trường và mặt hàng có biên lợi nhuận cao, khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh và cửa hàng trên toàn quốc để tìm kiếm lợi nhuận tối đa.

Ngoài ra, những doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý 3 vừa qua có thể kể đến SMC và VGS. Bên cạnh đó là một loạt doanh nghiệp chuyển lỗ từ quý 3 năm ngoái thành lãi cùng kỳ năm nay như POM, TLH, VIS, TNS.

Pomina (mã POM) là cái tên nổi bật nhất khi chuyển mình, từ lỗ 119 tỷ đồng quý 3 năm ngoái sang lãi 16 tỷ đồng năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lãi trong 1 quý sau 6 quý thua lỗ liên tiếp.

Đáng chú ý, dù lãi gộp tăng nhưng chi phí phát sinh trong kỳ vẫn ở mức cao khiến Pomina lỗ thuần hơn 5 tỷ đồng. Dù vậy, con số này khả quan hơn rất nhiều khoản lỗ thuần 119 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nhờ hơn 21 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác nên Pomina mới thoát lỗ trong quý 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng báo lãi gần 12,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 9 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí giá vốn. Thép Việt Ý (mã VIS) lãi sau thuế quý 3 gần 27 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 75 tỷ đồng. Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) lãi sau thuế gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ xấp xỉ 3 tỷ đồng.

NHỮNG KHOẢN LÃI BỊ “BỐC HƠI”

Ở chiều ngược lại, vẫn tồn tại những doanh nghiệp ngành thép báo lãi sụt giảm mạnh trong kỳ như Thép Việt Nam (VnSteel – mã TVN), Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã TIS).

Với VnSteel, tổng công ty chỉ thu về vỏn vẹn 27 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 3/2020, chưa bằng 1/3 con số đạt được cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm doanh thu tới 44% xuống 7.458 tỷ đồng cùng với khoản lỗ từ liên doanh, liên kết mang 61 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 85 tỷ đồng).

Tương tự, Tisco cũng có sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2.105 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ thuần hơn 2,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 3,9 tỷ đồng.

Nhờ khoản thu nhập khác hơn 3,1 tỷ đồng chủ yếu từ bán xỉ bùn, thép phế liệu… nên Tisco thoát lỗ trong “gang tấc” với khoản lãi vỏn vẹn 415 triệu đồng giảm tới 86% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm cũng giảm 60% xuống còn 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 14,5 tỷ đồng.

Nguồn tin: Bizlive

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới