Doanh nghiệp hăm hở xin làm dự án thép là do những đặc quyền, đặc lợi mà ngành này được hưởng. Do đó, chính sách quản lý của nhà nước cần điều chỉnh để hài hòa lợi ích kinh tế nói chung
Giới chuyên gia cho rằng giá thép của Việt Nam không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, thậm chí còn phải đánh đổi bằng hậu quả nặng nề về môi trường.
Hưởng lợi từ giá quặng rẻ
Mới đây, đại diện Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã khẳng định một doanh nghiệp (DN) làm thép lợi nhuận cả ngàn tỉ đồng chỉ trong một quý nên HSG “ngu gì không làm”.
Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, cho rằng về tổng thể, ngành thép của Việt Nam không có tính cạnh tranh; thậm chí, các chính sách ưu đãi hiện hành làm méo mó, biến dạng thị trường thép, tạo ra môi trường thiếu lành mạnh và không hiệu quả.
Sản phẩm thép Việt Nam chưa thể cạnh tranh với nước ngoài nếu không được bảo hộ – Ảnh: Tấn Thạnh
Cụ thể, ông Tuấn giải thích sản xuất thép dùng 2 nguồn nguyên liệu là quặng sắt và thép phế liệu tái chế. Trong đó, dùng quặng sắt để chế biến thì sử dụng công nghệ lò cao, còn dùng thép phế liệu sử dụng công nghệ lò hồ quang. Đáng nói là chính sách cấm xuất khẩu quặng của nhà nước khiến DN khai thác chỉ bán được trong nước khiến giá quặng rất rẻ so với thế giới. “Có thời điểm, giá quặng trong nước chỉ bằng 50%-60% giá thế giới. Những nhà sản xuất thép trong nước sử dụng lò cao được mua quặng trong nước với giá rất rẻ nên tạo ra sản phẩm giá thấp, lợi nhuận lớn. DN Việt Nam so về khả năng quản trị thì làm sao có thể vượt qua được các DN lớn trên thế giới nhưng lại có tỉ suất lợi nhuận hơn hẳn, lên đến 30%/năm. Ngành công nghiệp nặng nào có thể mang lại tỉ suất lợi nhuận ngất ngưởng như thế! Lợi thế đó chỉ có thể mang lại từ chính sách xuất khẩu quặng hiện nay” – TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.
Do đó, theo ông Tuấn, đấy là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc HSG hăm hở “lao” vào sản xuất thép thay vì chỉ làm tôn. “HSG thấy lợi nhuận đến từ những đặc quyền, đặc lợi mà DN có thể có được từ chính sách nên mới đầu tư vào ngành công nghiệp thép lò cao gây ô nhiễm môi trường hơn nhiều so với thép tái chế” – ông Tuấn nói.
Bất lợi cho ngành khác
DN thép trong nước dù được hưởng lợi nhuận rất cao từ giá quặng rẻ nhưng vẫn không “quên” đòi hỏi thêm những ưu đãi khác từ chính sách bảo hộ của nhà nước, như chống bán phá giá. “Có DN được hưởng đặc quyền từ giá quặng rẻ nhưng vẫn đứng trong nhóm gửi đơn lên Bộ Công Thương đề nghị áp thuế tự vệ trước sản phẩm của Trung Quốc. Khi nào chứng minh được lợi nhuận của DN bị thu hẹp, thu nhập của người lao động giảm thì mới đòi áp thuế. Nếu có lợi nhuận lớn mà vẫn được áp thuế như vừa qua thì đây là câu hỏi lớn cần phải trả lời” – TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đặt vấn đề.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: “Để bảo vệ ngành thép, Chính phủ nâng thuế nhập khẩu khiến giá thép trong nước rần rần tăng lên. Nhờ bảo hộ, DN làm thép lãi lớn”.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, cần lưu tâm mức độ bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất bởi tăng thuế nhập khẩu những sản phẩm là đầu vào của các ngành khác thì việc bảo hộ thực chất chỉ là bảo hộ những DN sản xuất sản phẩm đầu vào này. Còn lại, toàn bộ nền kinh tế sẽ gặp bất lợi. “Theo tính toán, nếu tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 9% (năm 2015) lên 23,3% và thép dài lên 15,4% theo quyết định mới đây của Bộ Công Thương sẽ làm giá thép tăng từ 2%-4%. Điều này có thể khiến tổng giá trị gia tăng của toàn nền kinh tế giảm 0,034%-0,07%. Từ đó, một số ngành sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về giá trị gia tăng hoặc lợi nhuận” – ông Bùi Trinh phân tích.
Do đó, bảo hộ đối với ngành thép chỉ làm lợi cho số ít DN nên những DN khác lao vào chứ không mang lại lợi ích kinh tế nói chung. “Khi thép nhập khẩu rẻ hơn thép sản xuất trong nước thì sao lại bắt cả nền kinh tế phải chịu thiệt thòi để đáp ứng lợi nhuận cho một số ít công ty thép? Trong khi đó, thép sản xuất trong nước sẽ đội giá thành, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường. Như thế là đi ngược lại nguyên tắc bảo hộ một ngành khi nó có độ lan tỏa cao đến nền kinh tế trong nước và không làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường” – ông Trinh góp ý.
Cần xem lợi ích tổng thể
Giới chuyên gia cho rằng nhà hoạch định chính sách dù ở cấp trung ương hay địa phương khi phê duyệt dự án phải nhìn ở góc độ cả nền kinh tế. Cụ thể, hiệu quả của một dự án tạo ra cho nền kinh tế là đóng góp về mặt gia tăng sản lượng, làm tăng giá trị sản xuất, tạo nên giá trị gia tăng và đóng góp vào cải thiện thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, một dự án cũng có thể lấy đi những nguồn lực của nền kinh tế như đất đai, nguồn nước, khoáng sản, môi trường sống của người dân. “Do đó, nhà quản lý phải nhìn dưới góc độ tổng thể chứ không thể chỉ tin vào hoạch định tài chính của DN bởi họ thấy lãi thì làm” – một chuyên gia lưu ý.
Ninh Thuận quyết cho xây nhà máy luyện cán thép
Về thông tin HSG sẽ xây dựng một nhà máy luyện cán thép ở vùng biển Cà Ná (huyện Thuận Nam) với công suất (giai đoạn 1) lên đến 16 triệu tấn/năm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã từng lên tiếng rằng dự án này mới dừng lại ở việc “cho chủ trương đầu tư, còn thực hiện hay không phải chờ ý kiến của Chính phủ”.
Tuy nhiên, chiều 14-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định tỉnh đã thống nhất quan điểm quyết tâm thực hiện dự án thép ở Cà Ná. “Cơ sở pháp lý thực hiện là năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án luyện cán thép ở Cà Ná; hơn nữa, trong điều kiện tỉnh đang thu hút đầu tư nên việc xây dựng là hợp lý” – ông Hậu giải thích.
Cũng theo ông Hậu, tỉnh đã ký kết hợp tác chiến lược với HSG để đầu tư tổ hợp dự án ở Cà Ná, gồm 3 thành phần: nhà máy luyện cán thép 10,6 tỉ USD, cảng biển tổng hợp 800 triệu USD và KCN.
Do vậy, tới đây, HSG sẽ là nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần này. “Tỉnh còn phải tham vấn ý kiến của các bộ – ngành trung ương về hình thức đầu tư, trong đó lưu ý đến hình thức hợp tác nhà nước và DN (PPP) cùng thực hiện” – ông Hậu nói.
Hôm nay (15-9), theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cùng một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham vấn về thủ tục đầu tư của dự án cảng biển tổng hợp, 1 trong 3 dự án thành phần của tổ hợp do HSG đầu tư.
Nguồn tin: NLĐ