Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tức'Ngu gì không làm thép' nhìn từ những đại dự án của...

‘Ngu gì không làm thép’ nhìn từ những đại dự án của Vinashin

Câu hỏi đặt ra là tại sao rất nhiều dự án nghìn tỷ thiếu hiệu quả vẫn được ‘vẽ’ ra sau đại án Vinashin – vốn được cho là bài học xương máu về quản lý tài sản Nhà nước.

Nhà máy nghìn tỷ bỏ hoang “la liệt” từ Bắc chí Nam

Một báo cáo của Quốc hội gần đây bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách, thua lỗ nặng nề và có nguy cơ phá sản.

Báo cáo điểm tên một số dự án hoạt động kém hiệu quả, đe dọa nguy cơ gây thất thoát nặng nề tài sản Nhà nước như Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hóa chất – Vinachem) làm chủ đầu tư với số vốn gần 12.000 tỷ đồng, nhưng 4 năm qua lỗ lũy kế 2.000 tỷ đồng, lớn hơn lợi nhuận sau thuế của cả tập đoàn Vinachem năm 2014 (1,96 nghìn tỷ).


Lợi nhuận của 47 đơn vị thành viên Vinachem làm một năm không bằng khoản lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình kể từ
khi được vận hành. (Nguồn: BCTC Hợp nhất kiểm toán Vinachem 2014)

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động. Báo cáo tài chính PVN năm 2014 cho thấy tập đoàn này trong năm đã đầu tư vào PVTex 1,6 nghìn tỷ, tuy nhiên cũng đồng thời trích lập khoản dự phòng lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Cũng ở PVN, còn có 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Bình Phước, Phú Thọ và Quảng Ngãi, do các công ty con của PVN góp vốn, với tổng mức đầu tư lên tới 5.100 tỷ đồng. Trong số đó, cái thì chưa hoàn thành xong (Nhà máy Ethanol Phú Thọ), cái chạy thử xong rồi đắp chiếu (Nhà máy Ethanol Bình Phước), cái không chịu nổi thua lỗ nên phải dừng hoạt động (Nhà máy Ethanol Dung Quất).

Ngoài ra còn phải kể tới một số dự án khác như Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TCT Thép Việt Nam làm CĐT) giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng; Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do một công ty con của TCT Xây dựng Công trình giao thông Cienco-6 làm chủ đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng cũng phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Bề nổi của tảng băng chìm

Báo cáo Quốc hội về tình hình hoạt động 38 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra nhận định những nhà máy nghìn tỷ bỏ hoang trên chỉ là bề nổi so với tình trạng hoạt động kém hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

KTNN chỉ ra trong số 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty được kiểm toán, có 5 đơn vị thua lỗ, trong đó Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) lỗ tới 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ 471 tỷ đồng, con số này tại TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) là 131 tỷ đồng.

Trong báo cáo, KTNN nhấn mạnh một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ, mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp…

Một số đơn vị còn thua lỗ triền miên trong nhiều năm tới cỡ … âm vốn chủ sở hữu. Theo KTNN, chỉ riêng các công ty con của Vinalines đã lỗ lũy kế tới mức âm vốn tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó phải kể tới những ‘tên tuổi’ như Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin – âm vốn 8.481 tỷ đồng hay Cty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (-3.403 tỷ đồng).

Tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex – đơn vị đầu tư và vận hành Nhà máy xơ sợi Đình Vũ) lỗ tới 1.473 tỷ đồng; Tổng công ty miền Trung ( -724,72 tỷ đồng), Công ty CP Phát triển Phú Mỹ (-421 tỷ đồng).

Một thành viên khác của PVN là TCT Dầu Việt Nam (PVOil) cũng đã phải trích lập dự phòng tới 1.915 tỷ đồng đối với các 14 công ty con có lỗ lũy kế. Đặc biệt phải kể tới ‘di sản’ của Vinashin – Cty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, thua lỗ triền miên dẫn tới âm vốn chủ sở hữu hơn 1.108 tỷ đồng.

BCTC của PVN năm 2014 cho thấy tập đoàn này giành tới 181 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, chiếm gần nửa tổng tài sản (45%). Tỉ lệ này 1 năm trước đó thậm chí còn lên tới 54%. Trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư trên tăng mạnh lên 9,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2014, so với 5,9 nghìn tỷ năm 2013.


Dự phòng giám giá đầu tư vào công ty con, công ty liên kết chiếm tới 9% tổng mức đầu tư
tài chính dài hạn của VNSteel. Nguồn: BCTC riêng VNSteel quý II/2016

Tình trạng tương tự diễn ra tại Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel), khi đơn vị này dành ra tới 6,7 nghìn tỷ đồng (73,4%) tổng tài sản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, với số trích lập giảm giá đầu tư tính đến ngày 30/6/2016 ở mức 585 tỷ đồng, trong đó trích lập cho các khoản đầu tư vào Cty TNHH Khoáng sản luyện kim Việt Trung (205,7 tỷ); Cty TNHH MTV Tấm lá Phú Mỹ (150 tỷ) hay Cty CP Gang thép Thái Nguyên (25,6 tỷ).

Việc đầu tư kém hiệu quả vào các công ty con, công ty liên kết cùng những vấn đề trong quản lý vốn Nhà nước, mà thể hiện rõ ràng nhất qua vụ lùm xùm tại Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vừa qua, khiến hiệu quả kinh doanh của VNSteel rất thấp, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2015 ở mức 130 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ LNST/ Vốn chủ sở hữu chỉ đạt 1,9%. Lỗ lũy kế tới thời điểm 31/12/2015 ở mức 715 tỷ đồng.

Nỗi ám ảnh Vinashin

Những nhà máy nghìn tỷ kể trên gợi nhớ cái cách ‘đổ tiền xuống bể’ của Vinashin trong thập niên trước.

Được thành lập năm 1996 với kì vọng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc tàu biển, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) tăng trưởng ‘thần tốc’ với sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý. Từ chỗ chỉ có 23 đơn vị thành viên, đến năm 2006, Vinashin có 170 đơn vị và đạt đỉnh hơn 450 công ty con, công ty liên kết và hạch toán phụ thuộc cuối thập kỷ trước.

Vinashin bắt đầu cho ra lò những con tàu có trọng tải tới 4-50.000 tấn, tốc độ tăng trưởng có năm lên tới 40%, tổng tài sản cuối năm 2009 chạm đỉnh 102,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên từ đây, những yếu tố khách quan lẫn chủ quan không hẹn mà gặp, khiến biến cố liên tiếp xảy tới, nhấn ‘con tàu’ mang tên Vinashin chìm sâu trong khủng hoảng.


Một góc nhà máy điện Cái Lân – Vinashin, KCN Cái Lân, TP Hạ Long – Biểu tượng của lãng phí
và tham nhũng của Vinashin dưới thời nguyên Chủ tịch Phạm Thanh Bình. Ảnh: NĐ

Suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 tác động nhu cầu về đóng tàu giảm mạnh, phơi bày mọi yếu kém của Vinashin. Tập đoàn này dưới thời nguyên Chủ tịch Phạm Thanh Bình gần như sống nhờ ‘vay nợ’. Báo cáo kiểm toán năm 2009 cho thấy vốn chủ sở hữu của Vinashin chỉ ở mức 4,7 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên vay nợ lên tới 96,6 nghìn tỷ đồng. Việc không quản lý được hàng trăm công ty con khiến đồng tiền (trong đó một lượng không nhỏ là trái phiếu Chính phủ) bỏ ra gần như không thu lại được. Kiểm toán Nhà nước xác định lỗ thực của Vinashin năm 2009 lên tới 5.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với báo cáo của tập đoàn này.

Vinashin sau đó phải tái cơ cấu, buộc chuyển giao 216 công ty con cho PVN và Vinalines. Nguyên Chủ tịch Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm đã bị khởi tố và tuyên án. Đánh dấu là đại án kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Dưới thời ông Bình, Vinashin có những khoản đầu tư theo kiểu ‘đổ sông đổ bể’ như tổ hợp nhà máy thép-điện ở Cái Lân trị giá 3.300 tỷ đồng, mua tàu Hoa Sen với giá 1.300 tỷ đồng về đắp chiếu, bỏ 3.200 nghìn tỷ đồng mua 6 con tàu có tuổi từ 22 đến 26 năm tuổi, đầu tư 300 tỷ xây nhà máy đóng tàu Năm Căn ở Cà Mau, quê hương ông…

Trong lúc này, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cấp quản lý, tại sao kể từ sau vụ việc Vinashin, vẫn còn rất nhiều dự án nghìn tỷ được ‘vẽ’ ra, cuối cùng hoặc đắp chiếu hoặc hoạt động thua lỗ?

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Nội các của ông ngay sau khi nhậm chức đã liên tiếp có những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế và minh bạch hóa môi trường đầu tư. Trong lúc này, người dân cũng đang chờ đợi Thủ tướng sẽ mạnh tay với tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu quy hoạch, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước như hiện nay…

Nguồn tin: ANTT

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới