Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcHoa Sen phản đối đề xuất tăng thuế nhập khẩu của Bộ...

Hoa Sen phản đối đề xuất tăng thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính

 Tập đoàn Hoa Sen cho rằng điều chỉnh thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ 0% lên 5% tác động tiêu cực đến toàn ngành thép Việt Nam.

Trong văn bản lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 125, Bộ Tài chính nhận định chiến tranh thương mại đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến giá bán giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm ngoái đạt trên 3 tỷ USD. Sản lượng từ Trung Quốc chiếm trên 40%, phần còn lại đến từ Đài Loan, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

“Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này, thép cán cuộn giá rẻ từ Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho thị trường nội địa. Điều này cũng khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất cả nước cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Cơ quan này ước tính, nếu điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 0% lên 5%, ngân sách nhà nước có thể tăng thu 3.152 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi mới đây, ông Trần Quốc Trí – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) lại khẳng định biện pháp tăng thuế suất nhập khẩu không hạn chế được thép Trung Quốc vào Việt Nam mà còn gây hiệu ứng ngược lại.

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nên dù có đánh thuế, mặt hàng này vẫn được nhập khẩu với mức ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định. Trong khi đó, thép nhập khẩu từ các nước khác sẽ chịu thuế 5% nên buộc các doanh nghiệp phải dịch chuyển nguồn cung sang Trung Quốc.

                                                                                                                          Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ.

Ông Trí cũng cho rằng, sản xuất thép cuộn cán nóng nội địa đang có thuận lợi lớn về thị trường tiêu thụ. Điển hình như tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 214 kg, trong khi các nước phát triển lên đến 500 kg. Năng lực sản xuất mới đáp ứng dưới 40% nhu cầu nội địa. Trong thời gian tới, nếu dự án thép Dung Quốc của Tập đoàn Hoà Phát cho ra sản phẩm theo công suất thiết kế 2 triệu tấn mỗi năm thì khả năng đáp ứng theo lý thuyết cũng chỉ đạt 60%.

“Tăng thuế càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong bối cảnh ngành này đang gặp nhiều khó khăn. Đây có thể là một cú “knock out” với đa số doanh nghiệp sản xuất tôn mạ nhưng lại tạo cơ hội cho một vài doanh nghiệp độc quyền thị trường, tác động tiêu cực đến định hướng phát triển của ngành thép Việt Nam”, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen viết trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và đề nghị cơ quan này không tăng thuế suất hoặc bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào nhằm vào mặt hàng thép cán cuộn nóng để tránh khó khăn thêm chồng chất.

Theo ông Trí, hệ quả từ việc các nước dựng hàng rào thương mại và cạnh tranh không lành mạnh của tôn mạ nhập khẩu khiến sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ giảm 20% so với cùng kỳ 7 tháng đầu năm. Hầu hết doanh nghiệp đều phải cắt giảm sản xuất, dừng dây chuyền, giảm lao động để hoạt động khoảng 60% công suất thiết kế. Nếu đề xuất tăng thuế được thông qua, doanh nghiệp phải tìm nguồn cung mới để tiếp tục hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, việc đảm bảo yêu cầu về chất lượng, giá thành và tiến độ cung ứng hàng hoá với đối tác mới sẽ ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu.

                                                                                                                                                                                                                                                                            Nguồn tin:Vnexpress. 

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới