Thứ năm, Tháng mười 24, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcDự án thép 10tỷ USD: Đừng ưu đãi quá nhiều, quá lâu

Dự án thép 10tỷ USD: Đừng ưu đãi quá nhiều, quá lâu

Ưu đãi quá nhiều, kéo dài quá lâu không phù hợp với cam kết hội nhập cũng như mục tiêu chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam.

 Chỉ ưu đãi trong giới hạn nhất định

Theo bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) do ông Lê Phước Vũ đại diện cho HSG và ông Lưu Xuân Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 24/10/2015, HSG nhận được nhiều ưu đãi khi thực hiện dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná.

Bên cạnh những ưu đãi về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, HSG được ưu đãi rất nhiều về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đất, thuế tài nguyên nước…). Đáng chú ý, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án.


Mô hình 3D của dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, ông được biết, nhà máy thép Cà Ná sẽ không giống như nhà máy thép Formosa hay Gang thép Thái Nguyên… Dự kiến đây sẽ là nhà máy cung cấp các sản phẩm thép cao cấp (thép chế tạo), nó đi từ phôi chứ không đi từ quặng như các nhà máy trên.

“Việt Nam vẫn có nhu cầu về thép chế tạo và hiện nay phải nhập rất nhiều. Do đó, nếu HSG làm dự án thép này tôi cũng tán thành, vấn đề là cách doanh nghiệp này làm thế nào.

Dự án này cũng chỉ nên để phục vụ nhu cầu trong nước, tránh xuất khẩu vì nếu xuất khẩu phải làm hết sức cẩn thận do thị trường đã bão hòa và Việt Nam cũng không thể cạnh tranh được với các nước.

Ngay cả khi chỉ làm để cung cấp cho thị trường trong nước cũng phải cẩn trọng vì giá cả phải cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Phải thận trọng nếu ưu đãi quá nhiều và quá lâu cho thép Cà Ná. Không thể như thép Formosa hay lọc dầu Nghi Sơn, cứ ưu đãi mãi, kéo dài quá lâu, mức ưu đãi quá cao là không phù hợp với cam kết hội nhập cũng như mục tiêu chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam”, TS Lưu Bích Hồ lưu ý.

Ông nhấn mạnh, một khi ưu đãi dự án quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh trong nước bởi sản phẩm làm ra bán với giá cao hơn giá nhập khẩu. Khi đó, Nhà nước lại phải hạn chế nhập khẩu, đánh thuế nhập khẩu cao lên và như vậy là không phù hợp với cam kết FTA Việt Nam đã ký kết.

Bởi vậy, Việt Nam có thể ưu đãi ở một mức độ nhất định cho dự án sao cho phù hợp với cam kết quốc tế và bảo đảm được tính cạnh tranh của một thị trường công khai, minh bạch chứ không phải với bất cứ mức nào, TS Lưu Bích Hồ nói.

Cũng theo vị chuyên gia, sau bài học Formosa, việc thẩm định, phê duyệt dự án thép Cà Ná chắc chắn sẽ được làm hết sức cẩn trọng.

“Ngành thép cũng như lọc hóa dầu, phần hóa dầu vẫn cần thiết còn lọc dầu đã bão hòa. Cạnh tranh khi xuất khẩu đã khó, cạnh tranh với hàng nhập khẩu lại càng khó hơn. Do đó, một lần nữa cần lưu ý rằng, chỉ có thể ưu đãi trong giới hạn nhất định, theo những cam kết đã ký”.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Dự án thép Cà Ná đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025. Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho hay, Việt Nam sắp có Luật Quy hoạch mới và việc quy hoạch những sản phẩm như thép sẽ không còn dễ dàng như trước.

“Việc quy hoạch các sản phẩm, từ xi măng đến thép, lọc hóa dầu, kể cả sản phẩm nông nghiệp phải làm rất cẩn thận, theo yêu cầu và tín hiệu của thị trường, chứ không phải áp đặt ý tưởng, mong muốn theo kiểu kế hoạch hóa tập trung như trước”, TS Hồ nói.

Trước những lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án thép, TS Lưu Bích Hồ chỉ rõ, bất cứ công trình chế biến, chế tạo, khai thác khoáng sản… nào đều có vấn đề môi trường, do đó, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

“Vấn đề là chủ đầu tư có làm theo đúng yêu cầu đó không, có đầu tư công nghệ, có giám sát, kiểm tra cẩn thận hay không, chứ không phải cái gì cũng sợ. Cả thế giới làm được, tại sao chúng ta không làm được?

Thép không phải là cái khó nhất để bảo vệ môi trường. Cho nên, chủ đầu tư hứa thì chúng ta ghi nhận nhưng cũng đừng tin quá. Việt Nam đã có kinh nghiệm, quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ, trong giai đoạn đầu thẩm định cho phép sau đó theo dõi thực hiện cẩn thận”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh.

Nguồn tin: Đất việt

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới