Năm 2018, ngành thép trở thành tâm điểm của làn sóng bảo hộ thương mại khi hàng loạt quốc gia, mà tiên phong là Mỹ, dựng hàng rào thuế quan trước lo ngại các sản phẩm thép được nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước.
Trong một hội thảo cuối tháng 8/2018, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết thế giới có hơn 1.500 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, ngành thép nói chung chiếm tới 30%.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp thuế 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ tất cả quốc gia. Hành động này của ông Trump được cho là nhằm vào quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc, với cáo buộc rằng nước này đang bán rẻ thép dư thừa ra thị trường thế giới, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Mỹ.
Châu Âu và lần lượt nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu dựng hàng rào bảo hộ ngành thép, vừa để trả đũa Mỹ vừa để ngăn thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt chuyển hướng sang.
Chiến tranh thương mại bùng nổ, thép Việt bị “vạ lây”
Đầu tháng 3/2018, Mỹ ban hành quyết định áp thuế với thép trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng trong năm 2018, Mỹ liên tiếp điều tra hai vụ việc liên quan tới thép Việt Nam và áp thuế rất cao với thép cán nguội của Việt Nam. Để hiểu được nguyên nhân có lẽ phải nhìn lại vụ việc EU phát hiện thép Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để trốn thuế khi xuất khẩu vào khu vực này trong năm 2017.
Tháng 11/2017, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết phát hiện thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam lấy mác “Made in Vietnam” để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối. Cụ thể, trước khi xuất khẩu sang EU, thép tráng hữu cơ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Việt Nam để lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam. Với “mánh khóe” này, thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống bán phá giá gần 8,2 triệu euro (9,6 triệu USD) từ EU.
EU nhận thấy nguy cơ thép Trung Quốc dùng mác Việt Nam để lẩn tránh thuế khi các báo cáo cho biết nhập khẩu thép chống gỉ từ Việt Nam tăng mạnh sau khi khu vực này ban hành quyết định áp thuế chống trợ cấp đối với thép chống gỉ có xuất xứ từ Trung Quốc vào tháng 8.
Động thái của EU được xem là ngòi châm cho loạt hành động điều tra thép Việt Nam của Mỹ sau này, mà đầu tiên là vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 11/2017.
Với kết luận rằng có sự lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 5/2018 quyết định áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc.
Thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%. Ngoài ra, Mỹ cũng đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất.
Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết có tới 90% tổng giá trị thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của bộ này, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép của Trung Quốc trong năm 2015, các lô hàng thép cán nguội từ Việt Nam vào Mỹ tăng tới 215 triệu USD mỗi năm từ mức chỉ 9 triệu USD, trong khi nhập khẩu thép chịu mài mòn tăng lên 80 triệu USD từ mức 2 triệu USD.
Ngay sau đó, đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Mỹ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam, và điều tra chống bán phá giá – trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội Việt Nam.
Đồ họa: Liên Hương.
Theo trang South China Morning Post, xu hướng chuyển hàng hóa qua nước thứ ba để tránh thuế ngày càng nở rộ trong vài tháng gần đây do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Để làm được điều này, các công ty sản xuất sẽ phải kiểm tra xem liệu họ có thể tháo mác “Made in China” để thay bằng mác “Made in Vietnam” hợp pháp bằng cách đổi mã số sản phẩm hoặc chỉ bằng việc chuyển sang qua Việt Nam trước khi xuất sang Trung Quốc, một số doanh nhân cho biết.
Thay vì phải mua mặt bằng và lắp đặt thiết bị sản xuất, một số doanh nghiệp chỉ thuê kho hàng ở Việt Nam. Những đối tượng này thường bị nghi ngờ là có mục đích “rửa mác” để thay đổi mô tả sản phẩm trước khi xuất khẩu, ông Tai Wan-ping, giáo sư về kinh tế quốc tế tại Đại học Cheng Shiu, cho biết.
Nguồn tin: Cafef