Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcBất chấp ngành thép thăng hoa, vì sao 2 doanh nghiệp FDI...

Bất chấp ngành thép thăng hoa, vì sao 2 doanh nghiệp FDI Fomosa và Posco Yamoto Vina vẫn báo lỗ?

 Năm 2020 được cho là năm thăng hoa của ngành thép, giúp các “ông lớn” như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt – Ý, Hoa Sen… có các khoản lãi tăng đột biến. Ngược chiều, Gang thép Thái Nguyên lợi nhuận sụt giảm, 2 doanh nghiệp FDI ngành thép là Fomosa và Posco Yamoto Vina báo lỗ nghìn tỷ đồng.

Ngành thép thăng hoa

Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 với doanh thu đạt 26.166 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.660 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và 142% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát, gấp 2,42 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2020, Tập đoàn đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Cả năm 2020, Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng lơi nhuận sau thuế, tăng 80% so với 2019.

Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng với gần 700.000 tấn. Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thép Hòa Phát vươn lên mức 32,5%. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp hơn 12 lần so với năm 2019.

Tương tự, báo cáo tài chính quý IV/2020 của Công ty Cổ phần Thép Việt – Ý (HOSE: VIS) cho thấy, doanh thu trong kỳ của VIS đạt gần 1.263 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 13,57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 72,54 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận quý IV/2020 lãi trong khi quý IV/2019 lỗ, Thép Việt – Ý cho biết do trước những diễn biến của thị trường khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, nhu cầu xuất khẩu những tháng cuối năm tăng đột biến, đã làm nguồn cung trên thị trường nội địa giảm, làm thúc đẩy giá thép tăng liên tục trong cả quý IV/2020. Công ty đã hoàn nhập số tiền dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích lập từ các kỳ trước.

Bên cạnh đó, do Công ty đã thu mua được một lượng nguyên vật liệu đầu vào với giá cả hợp lý để sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường đã thu được lợi nhuận; sản lượng sản xuất của nhà máy phôi tiếp tục gia tăng, là yếu tố thuận lợi để giảm giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho Công ty.

Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật tiếp tục được áp dụng, làm giảm chi phí, hạ giá thành, đã gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Lũy kế cả năm, VIS ghi nhận doanh thu gần 4.062 tỷ đồng, giảm 11,9% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế 22,52 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 213,67 tỷ đồng, đồng thời vượt xa kế hoạch đã đề ra cho năm vừa qua là lỗ khoảng 65,57 tỷ đồng.

Đối với trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong một năm nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và ngành thép dù khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều bất ổn, HSG vẫn ước lãi 1.100 tỷ đồng niên độ 2019-2020, gấp 3 lần cùng kỳ.

Cụ thể, theo công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2019-2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9) HSG cho thấy, lũy kế cả niên độ, sản lượng tiêu thụ tập đoàn ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 27.538 tỷ đồng, giảm gần 2% và hoàn thành 98,4% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần so với kế hoạch.

Lợi nhuận tăng đột biến của HSG chủ yếu đến từ cuộc chơi đầu cơ nguyên liệu đầu vào ở mức giá thấp và xuất khẩu sản phẩm đầu ra ở vào thời điểm giá cao.Trong năm 2020-2021, HSG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên 1.500 tỷ đồng.

Ngược chiều, Gang thép Thái Nguyên lãi giảm và 2 ông lớn FDI báo lỗ

Mặc dù năm 2020 được coi là năm thăng hoa của ngành thép, giúp các “ông lớn” như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt – Ý, Hoa Sen… có các khoản lãi tăng đột biến, tuy nhiên Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) lại ghi nhận kết quả kinh doanh ì ạch, sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Trong quý cuối năm 2020, doanh thu thuần của Tisco đạt 2.556 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12 triệu đồng cùng giai đoạn năm 2019.

Luỹ kế cả năm 2020, Gang thép Thái Nguyên báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này là do doanh thu thuần sụt giảm và chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tài chính.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Chiếm phần lớn vẫn là nhóm tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang: 5.697 tỷ đồng (dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II). Đây là dự án có vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 tuy nhiên đến nay vẫn “đắp chiếu” và khiến không ít cán bộ công ty, đơn vị liên quan vướng vào vòng lao lý.

Cùng với Tisco, 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất ngành sắt, thép là Fomorsa Hà Tĩnh và Công ty CP thép Posco Yamoto Vina đều có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả kinh doanh giảm sút khiến mức đóng góp vào ngân sách rất hạn chế.

Với Fomorsa Hà Tĩnh, tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của công ty là trên 286 nghìn tỷ đồng. Nợ phải trả gần 186 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là trên 64,3 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là trên 121 nghìn tỷ đồng. Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế trên 25,3 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu của công ty này năm 2019 là trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2018 nhưng năm 2019 vẫn lỗ tới hơn 11,5 nghìn tỷ đồng. Con số này gấp 4,2 lần so với mức lỗ 2.727 tỷ đồng của năm trước đó. Bên cạnh đó, năm 2019 Fomorsa Hà Tĩnh chỉ nộp ngân sách nhà nước 51,6 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa – Vũng Tàu). Lỗ lũy kế của công ty này là hơn 8.900 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.094 tỷ đồng của năm trước. Số nộp ngân sách năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Nguồn tin: Dân việt

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới