Sản xuất và tiêu thụ thép các loại tháng 4 giảm so với tháng 3 nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép xây dựng tiếp tục tăng cao, dự báo tháng 5 có sự điều chỉnh để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) sản xuất các sản phẩm thép 4 tháng đầu năm của thành viên đạt 10,4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bán hàng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 40,3%. Xuất khẩu thép các loại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt 3,7 triệu tấn, tăng 16,3%; HRC đạt 2,45 triệu tấn, tăng 117%; thép cán nguộn đạt 822.629 tấn, tăng 22,5%; tôn mạ đạt 1,6 triệu tấn, tăng 46,5%; ống thép đạt 875.982 tấn, tăng 30%.
Riêng tháng 4, sản xuất thép các loại đạt 2,8 triệu tấn, giảm 4,75% so với tháng trước nhưng tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng thép đạt 2,7 triệu tấn, giảm 6,22% so với tháng trước nhưng tăng 56,7%. Xuất khẩu đạt 534.162 tấn, giảm 14,6% so tháng trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước.
VSA cho rằng sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng các tháng đầu năm duy trì mức cao trong vòng 5 năm trở lại đây nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công. Tốc độ giải ngân đầu tư công tháng 4 và 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2017-2021.
Giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4. Giá bán thép trong nước bình quân khoảng 16.300 – 16.500 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và doanh nghiệp. Dự bán tháng 5 nhu cầu thép vẫn tốt, giá bán có khả năng điều chỉnh để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào.
VSA đánh giá xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 có nhiều biến động, có thể thiết lập mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008. Nguyên nhân đến từ nhu cầu nội địa Trung Quốc gia tăng với nhiệm vụ kép phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Trong khi, quốc gia này siết chặt nguồn cung với chính sách kiểm soát ô nhiễm và giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% có hiệu lực từ 1/5.
Nguồn tin: NDH