Home Tin tức Thủ tướng: Không tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên

Thủ tướng: Không tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên

0
74

Chính phủ sẽ không tiếp tục “ném tiền” vào dự án thép Thái Nguyên dù đã nhận được đề xuất.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Bộ Công thương ngày 12/7.

“Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những Gang thép Thái Nguyên mấy nghìn tỷ nữa”, Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương cần ứng xử theo mục tiêu thị trường.

Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Tuổi trẻ

Trước đó, việc đề nghị hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án mở rộng nhà máy ở giai đoạn 2 đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ dư luận, giới chuyên gia kinh tế.

Cụ thể, trong báo cáo gửi lên Chính phủ hồi tháng 4/2016, SCIC – đơn vị đã góp hơn 1.000 tỷ đồng vào việc triển khai dự án này – dù chưa khẳng định hiệu quả, song dựa trên báo cáo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), vẫn kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu, không tính phần thuế VAT.

Đề xuất cũng bao gồm miễn, giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng, trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động 629 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2015, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án.

Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán TISCO và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng phương án bán dự án là tốt nhất nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ mua.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: “Một dự án quá lớn tôi không tin rằng phương án này có thể thực hiện được. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu thép trên thị trường thế giới mới chỉ tiêu thụ được 70% so với công suất các nhà máy thép trên thế giới. Do đó, khó tìm được người mua dự án.

Phương án kêu gọi đầu tư cũng là phương án tốt cho chúng ta, nhưng nếu khẳng định dự án không còn hiệu quả nữa, thì không có nhà đầu tư này thấy lỗ trước mắt như vậy mà đầu tư vào. Liệu họ có hy vọng biến lỗ thành lời được không. Do đó tình khả thi của dự án này lại rất thấp.

Phương án bán TISCO, đây là phương án không tốt nhưng có tính khả thi. Trong khi quản lý không hiệu quả thì cần phải thay đổi sở hữu, chủ sở hữu mới sẽ có phương án giải quyết . Không thể duy trì doanh nghiệp không hiệu quả gây tổn hại cho ngân sách nhà nước”.

Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng liên tiếp chậm tiến độ do các vấn đề liên quan tới vốn và nhà thầu. Đến tháng 6/2012, do thiếu vốn nên các nhà thầu đã dừng thi công, rút quân khỏi hiện trường. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt năm 2005 là 3.843 tỷ đồng nhưng do chậm tiến độ và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế đã phải điều chỉnh tăng gấp đôi lên 8.104 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Nguồn tin: Đất việt

NO COMMENTS