“CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) từ lâu đã có tham vọng tham gia vào thị trường thép xây dựng nhưng điều này sẽ khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt do những doanh nghiệp hiện tại trong ngành như CTCP Tập đoàn Hòa Phát và có lẽ là cả Formosa sẽ “không để yên” – CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định.
Hòa Phát và Formosa “không để yên” cho Hoa Sen Group
Nói về cuộc chiến ngành tôn – thép, nhà đầu tư sẽ nhớ ngay tới Tôn Hoa Sen và Hòa Phát. Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh cuộc chiến này, người cho rằng xét về mọi mặt Hòa Phát có khả năng “đè bẹp” Hoa Sen cả trên hai mặt trận tôn và thép.
Cuộc chiến Tôn – Thép lợi thế thuộc về ai?
Cuộc chiến bắt đầu bùng nổ khi đầu năm 2016, Hòa Phát công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tôn mạ tại thị trường phía Bắc với công suất 400.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng, công ty có vốn tự có là 50-80%, còn lại 20-50% là vốn đi vay. HPG dự kiến doanh thu tôn mạ sẽ đạt từ 6.000 – 8.000 tỷ đồng (bằng khoảng 20% doanh thu thuần hiện tại của công ty) khi nhà máy hoạt động 100% công suất. Đồng thời, trong 2 năm tới công ty dự kiến xây dựng nhà máy tôn mạ giai đoạn 2 tại thị trường phía Nam gần Bà Rịa – Vũng Tàu với quy mô gần bằng nhà máy thứ 1. Về kế hoạch mở rộng công suất sản xuất ống thép, công ty sẽ tiếp tục nâng công suất hàng năm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vị trí xây các nhà máy mới để sản xuất thép xây dựng và tôn dự kiến sẽ gần cảng.
Ngay lập tức, Tôn Hoa Sen đáp trả bằng việc xây dựng siêu dự án Thép Cà Ná với tổng đầu tư 10,6 tỷ USD, với tổng công suất lên 16 triệu tấn/năm, cũng được chia thành 2 giai đoạn, dự án kế hoạch hoàn thiện sẽ vào năm 2030. Được biết, trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là 11.150 tỷ đồng, với 80% vốn đi vay và 20% vốn tự có. HSG cũng có kế hoạch xây dựng một cảng quốc tế quy mô lớn với diện tích 470 ha tiếp nhận các tàu lớn với trọng tải lên tới 200.000 – 300.000 DWT. Cảng này sẽ được dùng làm bến nhập than, xuất thép.
Theo HSC, dự án này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ được triển khai thông qua hình thức PPP, trong đó HSG đầu tư khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng và phần còn lại là vốn nhà nước. Quy mô của cảng này vượt xa những cảng hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện tại, cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Thị Vải – Cái Mép ở Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 27 ha, có thể tiếp nhập tàu với trọng tải là 160.000 DWT. Một lần nữa, quy mô của dự án cảng quốc tế này sẽ khiến các NĐT ngỡ ngàng.
Hoa Sen có bị yếu thế ?
Câu hỏi đặt ra cho cuộc chiến ngành tôn-thép này là người chơi mới có bị yếu thế ?
Mặc dù xét về quy mô đầu tư, siêu dự án của Hoa Sen Group hiện nay cao hơn hẳn so với Hòa Phát, thế nhưng xét về kinh nghiệm trong ngành và tiềm lực tài chính thì Hòa Phát đang giữ ở thế có lợi hơn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, tổng tài sản của Hòa Phát ở mức 27.675 tỷ đồng, gấp 3 lần tổng tài sản 9.523 tỷ đồng của Hoa Sen Group. Xét về vốn chủ sở hữu Hòa Phát đang có 17.525 tỷ đồng, gấp gần 5 lần số vốn chủ sở hữu mà Hoa Sen Group đang có.
Nếu xét thêm về vốn đầu tư hai dự án của 2 tập đoàn này sẽ thấy cùng đi vay nhưng Hòa Phát chỉ vay 20-50% vốn còn Hoa Sen Group chiếm tới 80% vốn vay. Cũng theo HSC, nếu không xét đến năng lực Hoa Sen Group, việc công bố hàng loạt dự án khổng lồ như vậy sẽ dẫn đến rủi ro là gây hoài nghi giữa các nhà đầu tư. Chưa đề cập đến những lo ngại về yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ cho các dự án này.
Mặt khác, dường như siêu dự án của Hoa Sen Group không được lòng dư luận kể từ khi dự án mới bắt đầu manh nha. Ngay sau khi kế hoạch phát triển dự án được triển khai, hàng loạt thông tin tiêu cực lan rộng.
Đáng quan tâm là thông tin nhà thầu chính của dự án Thép Cà Ná của Trung Quốc, cũng chính là nhà thầu cho Formosa cái tên nói lên điều “chết chóc” trong thời gian gần đây. Mặc dù, dư luận có “lời qua tiếng lại” thì ông chủ Tôn Hoa Sen vẫn “kiên vững một lòng” khẳng định rằng dự án Thép Cà Ná cam kết không sử dụng công nghệ như Formosa nên sẽ không xảy ra sự cố môi trường.
Mặt khác, nhiều thông tin cho rằng dự án Cà Ná có nhiều bất ổn, từ việc bất ngờ được Bộ Công thương bổ dung vào Quyết định số 3516 ban hành ngày 25/8. Tuy nhiên, trước đó trong quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2015 ban hành ngày 22/8 lại không thấy tên dự án này. Nói về vấn đề này, một vị chuyên gia kinh tế chia sẻ với báo giới rằng, quy hoạch một dự án cần có tính toán kỹ lưỡng và thận trọng, chứ nhà nước chạy theo doanh nghiệp thì quy hoạch làm gì.
Như vậy, trong thời điểm hiện tại, xét về mọi mặt Hoa Sen Group đang rơi vào thế yếu. Liệu tập đoàn này có thành công trước những chiến lược mình vạch ra ? Có lẽ không ai mong muốn một doanh nghiệp lớn như Hoa Sen Group sẽ đi lại vết xe đổ như các ông lớn khác và điển hình là “Đại gia phố núi” CTCP Hoàng Anh Gia Lai.
Nguồn tin: Người tiêu dùng