Tỉnh Ninh Thuận đã chấp nhận chủ trương đầu tư một tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen. Ông Lê Phước Vũ đã vẽ ra rất nhiều tương lai xán lạn của dự án, tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lại lo ngại về tính khả thi, cũng như về một Formosa thứ 2.
Dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen được chấp thuận đề án quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ. Công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 10,6 tỷ USD ( khoảng hơn 230.000 tỷ đồng).
Hiện tại, tập đoàn đang làm nghiên cứu tiền khả thi dự án nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để đầu tư dự án. Tuy nhiên, những phát ngôn gây sốc của ông Vũ “ngu gì không làm thép”, “cả thế giới dùng công nghệ Trung Quốc”, “mới có vụ Formosa đã ồn ào lên”… khiến dư luận lo ngại. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án này:
Ông Vũ rất khôn ngoan, chả dại gì mà làm xằng!
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, hiện Việt Nam đang thiếu vốn nên đặc biệt chú trọng thu hút các DN đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, việc ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen quyết định đầu tư vào dự án thép Cà Ná không lạ.
Với dự án Thép Cà Ná (Ninh Thuận), ông Vũ nói rất mạnh, là sẽ đầu tư công nghệ mới, và sau 1 tuần chấp nhận đóng cửa nếu gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến từ phía chủ đầu tư. Formosa là tiền lệ trong vấn đề ảnh hưởng tới môi trường nên bất kỳ dự án nào tương tự cũng phải xem xét thật cẩn trọng.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, dù có nhiều ý kiến trái chiều, xong mức độ khả quan của dự án này phải phụ thuộc vào ý kiến của các chuyên gia độc lập trong ngành.
Trong khi ông chủ Hoa Sen cho biết sẽ xử lý nước thải bằng nước biển (do Ninh Thuận là vùng khô hạn) thì ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho rằng, với công nghệ hiện tại, phải dùng nguồn nước ngọt để xử lý. Trên thế giới hiện chưa có một đơn vị nào, dù hiện đại nhất sử dụng nước biển.
“Liệu dự án thép của ông Vũ phải là một dự án siêu kỹ thuật, siêu công nghệ?”, chuyên gia Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Một vấn đề khúc mắc trong dự án này là Tập đoàn Hoa Sen nghiêng về sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Đơn vị tư vấn lại là đơn vị từng đồng hành cho Formosa ở Trung Quốc (Trùng Khánh). Đây là dấu hỏi cho sự khả thi của dự án. Bên cạnh đó, giá thép thế giới đang rất biến động. Ông Vũ cần có một cơ quan tư vấn độc lập để đưa ra kết luận khách quan nhất.
Nói về số vốn 10 tỷ USD được hỗ trợ từ Vietinbank, theo chuyên gia, đây chỉ mới là cam kết. Và chắc chắn, phía nhà băng cũng phải xem xét rất cẩn trọng về tính khả thi của dự án để bảo toàn vốn cũng như tránh rủi ro cho chính mình.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, xét cho cùng, ông Vũ là người khôn ngoan. Và chắc hẳn, khi tư nhân đã bỏ vốn ra đầu tư một dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì họ phải toán mức độ hiệu quả, chả dại gì làm xằng!.
“Có thể nói thêm, trong chuyện này, Nhà nước cũng cần vào cuộc để có quan điểm rõ ràng, khi xem xét Ninh Thuận là vùng du lịch hiệu quả. Nếu bị phá vỡ môi trường sẽ là một điều nguy hiểm và tệ hại cho nước nhà”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.
Ông chủ Hoa Sen không sai, còn dự án sai ở đâu?
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Ông chủ của Hoa Sen nói không sai. Các nhà đầu tư nắm trong tay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, không dễ mà hành động sai”.
“Vậy thì có gì sai ở đây?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Theo ông, nguyên nhân “cái sai” ở đây là vì giá năng lượng. Cụ thể là giá điện cho sản xuất, bị định giá sai. Theo đó, mức giá bị định giá thấp đến nỗi những nhà đầu tư thông minh, trong nước hay nước ngoài đều hiểu sẽ lời to nếu như đầu tư vào các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.
Và đương nhiên, quy mô đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng lớn (so với việc đặt nhà máy ở một nước xung quanh), năng lượng tiêu tốn kéo theo càng lớn.
TS Thành cho biết: “Cả nước trợ cấp cho giá điện sản xuất, tức là trợ cấp lợi nhuận cho các ông lớn nhất. Khi sản phẩm ấy được xuất khẩu, cả nước đồng lòng trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài”.
Ngoài ra, việc dễ dãi trong phát thải gây ô nhiễm môi trường, không buộc các DN phải tính đủ việc bảo đảm bảo vệ môi trường vào chi phí hoạt động, cũng là một loại trợ cấp không khác gì trợ cấp giá năng lượng hay ưu đãi thuế. Tuy nhiên, người trợ cấp cho DN chính là người dân ở vùng đó, chứ không phải ngân sách. Họ mang cuộc sống của họ trợ cấp cho lợi nhuận khổng lồ của các công ty gây ô nhiễm.
Theo ông Thành, sự thành bại của các dự án thép khổng lồ phụ thuộc vào ba việc sau:
– Thứ nhất, đưa giá điện sản xuất về giá thị trường. (Điều này tất nhiên cần đi liền với cải tổ ngành điện và các ngành nguyên liệu cho ngành điện).
– Thứ hai, kiểm soát chính xác quá trình phát thải của các nhà máy, thu phí gây ô nhiễm đúng quy định, đúng mức phát thải.
– Thứ ba, không ưu đãi đầu tư (bằng thuế hoặc giá đất) cho các dự án tiêu tốn năng lượng hoặc có phát thải gây ô nhiễm. Chỉ cần cho họ bình đẳng như mọi ngành nghề bình thường khác, như ngành giết mổ trâu bò chẳng hạn.
“Hãy bình thường, thì mọi thứ sẽ bình thường”, TS Thành cho hay.
Nguồn tin: Cafebiz