Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcTổng quan thị trường và thương mại ngành thép tháng 8, 8...

Tổng quan thị trường và thương mại ngành thép tháng 8, 8 tháng năm 2018

 Xuất khẩu thép trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục xuất siêu mặc dù ngành thép đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá. Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng đều tăng. Giá bán lẻ ổn định.

Nhập khẩu:

Về nhập khẩu, giá thép nhập bình quân tăng mạnh đã đẩy chi nhập khẩu 8 tháng mặt hàng thép tăng lên 6,72 tỷ USD với 9,29 triệu tấn, giá nhập 723,8 USD/tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 8/2018, lượng thép nhập về 1,24 triệu tấn đạt 904,48 triệu USD, tăng 5,1% về lượng và 2,9% trị giá so với tháng 7/2018.

Giá sắt thép nhập khẩu trong tháng 8/2018 giảm 2% so với tháng 7/2018 nhưng tăng mạnh 29,8% so với tháng 8/2017, đạt 730,8 USD/tấn.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2018, lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt 9,29 triệu tấn, kim ngạch 6,72 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng nhưng tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu trung bình đạt 723,8 USD/tấn, tăng 24,8% so với 8 tháng đầu năm 2017.

Trung Quốc là thị trường hàng đầu cung cấp sắt thép cho Việt Nam, 8 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc dù đã giảm 15,9% về lượng nhưng tăng 8% về kim ngạch, đạt 4,35 triệu tấn, trị giá 3,13 tỷ USD, chiếm 47% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Bên cạnh đó, lượng thép phế liệu nhập về cũng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 20,7% về lượng và 50,2% trị giá, đạt 3,48 triệu tấn, trị giá 1,22 tỷ USD. Giá nhập khẩu sắt thép phế liệu trung bình 349,7 USD/tấn, tăng 24,4%.

Việt Nam nhập khẩu thép phế liệu chủ yếu từ thị trường Nhật Bản với 990,6 nghìn tấn, chiếm 28,5% trong tổng lượng thép phế nhập khẩu của cả nước, trị giá 268,94 triệu USD (chiếm 30,3% tỷ trọng), so với cùng kỳ giảm 1,47% về lượng nhưng kim ngạch tăng 29,5%.

Hàng năm, ngành thép trong nước vẫn phải nhập khẩu một lượng thép phế không nhỏ để phục vụ sản xuất thép trong nước. Cho rằng, các doanh nghiệp vẫn cần tới 60% nguyên liệu sắt thép vụn, vừa qua Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu cho các nhà sản xuất trong nước.

Theo VSA, trên thế giới có hai loại nguyên liệu chính để sản xuất thép gồm quặng sắt và sắt thép vụn. Năm 2017, thế giới sử dụng tới hơn 2 tỷ tấn quặng sắt và khoảng 650 triệu tấn thép phế liệu để sản xuất ra gần 1,7 tỷ tấn thép. Trong số này, có khoảng hơn 481 triệu tấn thép thành phẩm được sản xuất từ thép phế liệu.

Hiện công nghệ lò điện, sắt thép vụn chiếm 100% nguyên liệu đầu vào của các nhà máy, còn đối với công nghệ lò cao lò chuyển, sắt thép phế liệu chiếm khoảng 30% tổng nguyên liệu đầu vào. Chính vì thế, sắt thép vụn cũng được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào và dự báo thế giới sẽ cần khoảng 1 tỷ tấn sắt thép vụn vào năm 2030 và 1,3 tỷ tấn vào năm 2050.

Tại Việt Nam, do nguồn cung sắt thép vụn thu gom trong nước mới chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu cho sản xuất nên các doanh nghiệp vẫn sử dụng tới 60% nguồn phế liệu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Con số này tăng theo từng năm, chẳng hạn năm 2013, lượng sắt thép vụn tiêu thụ là hơn 5,6 triệu tấn; năm 2014 hơn 5,7 triệu tấn; năm 2015 khoảng 4,95 triệu tấn; năm 2016 gần 6,5 triệu tấn và năm 2017 hơn 9 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì công nghệ này đã sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất ra sản phẩm với năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.
Bên cạnh đó, sản xuất thép từ phế liệu còn tiết kiệm được tài nguyên đảm bảo phát triển bền vững, nhất là khi trữ lượng quặng sắt của thế giới được dự báo chỉ đáp ứng cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa. VSA cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đang tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép, trong đó khuyến khích sản xuất bằng công nghệ lò điện dùng nguyên liệu sắt thép vụn.


Xuất khẩu

Mặc dù thời gần đây, xu hướng bảo hộ thương mại tăng cao khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ bị kiện hơn, trong đó ngành thép bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong hai năm gần đây trong 78 vụ kiện về chống bán phá giá có đến 37 vụ kiện liên quan đến ngành thép. Riêng tại Mỹ, thép Việt bị khởi xướng điều tra “đúp” về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mặc dù vậy, xuất khẩu của ngành thép Việt vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Cụ thể, nếu như năm 2015, xuất khẩu thép sụt giảm 2,4% về lượng và 15,6% trị giá so với năm 2014 chỉ đạt 2,5 triệu tấn; 1,68 tỷ USD. Nhưng sang năm 2016 xuất khẩu thép lấy lại đà tăng trưởng 36% về lượng và 20,6% trị giá so với 2015; năm 2017 tăng 35,6% về lượng và 55,5% trị giá so với 2016 và 8 tháng đầu năm 2018 tăng 41,3% về lượng, 58,4% trị giá so với cùng kỳ năm 2017 đạt trên 4 triệu tấn, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước gần 3 tỷ USD. Tính riêng tháng 8/2018 đã xuất 604,6 nghìn tấn, trị giá 431 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 0,3% trị giá so với tháng 7/2018 và tăng 37,4% về lượng, 56,7% trị giá so với tháng 8/2017.

Thép Việt đã góp mặt trên 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính đến hết tháng 8/2018 lượng thép xuất khẩu sang các thị trường đều tăng trưởng chiếm tới 64,5%. Trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 57,6% đạt 2,33 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, tăng 40,4% về lượng và 590,48% trị giá so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là thị trường Campuchia đạt 858,9 nghìn tấn (chiếm 21,2%), trị giá 555,4 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và 82,71% trị giá. Kế đến là Mỹ đạt 628 nghìn tấn, trị giá 537,1 triệu USD, tăng 78,91% về lượng và 92,31% trị giá so với cùng kỳ 2017.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu thép 8T/2018

Tại thị trường nội địa, giá thép trong tháng 8/2018 ổn định, mặc dù đang vào mùa xây dựng, nhưng nhu cầu xây dựng trong nước chưa cải thiện do tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch, đồng thời diễn biến thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi cho việc khởi công các dự án mới, nên trong tháng 8 giá thép cơ bản ổn định.

Hiện tại, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép trong nước ở mức khoảng từ 11.300 – 14.500 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng). Giá thép xây dựng bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 12.400 – 14.800 đồng/kg, tại các tỉnh miền Nam dao động từ 13.000 – 15.200 đồng/kg.

Trên thế giới, giá chào bán phôi thép tháng 8/2018 cơ bản ổn định so với cuối tháng 7/2018, giá chào phôi thép CFR Đông Á ở khoảng 520 – 545 USD/tấn.

Sản xuất thép xây dựng trong tháng 8/2018 ước đạt khoảng 770.000 tấn, giảm khoảng 2%, sản lượng tiêu thụ khoảng 730.000 tấn, giảm 3% so với tháng trước.

Tình hình sản xuất thép thành phẩm 8 tháng năm 2018

Nguồn: VSA

Theo VSA, sản xuất ống thép của các thành viên VSA trong tháng 8/2018 đạt 209.959 tấn, tăng 8,4% so với tháng 7, và tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2017; bán hàng đạt 210.384 tấn, tăng 10,84% so với tháng trước, và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu ống thép hàn đạt 33.506 tấn, tăng lần lượt 14% so với tháng trước và 22% so với 8 tháng năm 2017. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2018 sản xuất đạt 1.595.445 tấn, tăng 9,7% so cùng kỳ 2017; bán hàng đạt 1.574.110 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó lượng xuất khẩu đạt 230.041 tấn, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định thị trường thép từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, tiêu thụ thép có phần thuận lợi hơn do kinh tế Việt Nam phát triển tốt nên nhu cầu thép tăng theo. Điều thuận lợi hơn là lượng thép tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm tới 80% nên việc các nước đang áp dụng phòng vệ thương mại cũng không mấy ảnh hưởng.

Dự báo, giá bán lẻ thép xây dựng tháng 9/2018 cơ bản ổn định; sản lượng thép tiêu thụ từ nay đến cuối năm tăng.

Nguồn tin: Vinanet

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới