Lừa đảo sắt thép qua mạng đã không còn là chiêu trò mới lạ. Thế nhưng vẫn nhiều khách hàng bị lừa mà không hề hay biết. Dưới đây là tổng hợp một vài trường hợp lừa đảo với số tiền lớn được đăng tải bởit ác giả Văn Toàn trên congan.com.vn. Nguyên văn bài báo như sau:
(CATP) Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ kẻ xấu mạo danh cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh sắt thép vật liệu xây dựng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân. Có thủ đoạn đã cũ, lặp đi lặp lại nhiều lần như mua bán sắt thép giá rẻ với số lượng lớn để lừa đảo, nhưng vẫn còn nhiều người bị sập bẫy.
Mất hơn 200 triệu đồng vì… công ty “ma”
Ngày 28/10, trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, anh Trần Phan Bảo Phúc (SN 1984, ngụ chung cư Nguyễn Tất Thành, P18, Q4) trình bày: “Vào ngày 10/8/2024, đứa em gửi cho tôi đơn hàng mua sắt thép phục vụ công trình xây dựng. Tôi lên mạng tìm kiếm công ty kinh doanh về sắt thép để xem báo giá. Sau đó tôi chọn và nhận được báo giá của công ty mang tên là Công ty Phương Nam. Tôi cũng kiểm tra trên hệ thống công ty có hoạt động tại trụ sở và có mã số thuế đang hoạt động nên yêu cầu gửi báo giá kèm đóng dấu công ty.
Sau khi chốt xong mua hàng thì bên công ty yêu cầu tôi chuyển khoản đặt cọc đơn hàng, xác minh thông tin công ty và yêu cầu gửi CCCD. Người tự xưng tên Tuấn phía công ty hẹn tôi vào ngày 05/9/2024 sẽ có hàng. Phía công ty cũng dặn dò khi nào xe tới kho sản xuất tại Phú Mỹ, Q7 thì cho bốc hàng. Sáng 05/9, đúng hẹn tôi thuê xe tải đầu kéo container đến nhận hàng, nhưng chờ mãi vẫn không thấy phía công ty gửi giấy nhận hàng xuống nhà máy sản xuất sắt thép nên tôi đành cho xe về.
Liên lạc với Tuấn thì được báo là giấy tờ bị trục trặc. Tuấn nói tôi cùng xe tải quay lại và sẽ trả thêm tiền xe. Lúc này, tôi và lái xe trở lại nhà kho để nhận hàng thì lại quá giờ quy định. Đến sáng 06/9, lái xe tải có vào nhà máy và nhận được giấy tờ từ Công ty Phương Nam yêu cầu giao đúng số lượng sắt thép theo như tôi yêu cầu. Sau khi nhận được hàng chất lên xe thì người xưng là bên Công ty Phương Nam gọi điện yêu cầu chuyển khoản và tôi đã chuyển 209.346.000 đồng qua số tài khoản 0117040700… (tên chủ tài khoản là CTTNHHSX PHUONG NAM).
Sau khi chuyển khoản thì công ty tiếp tục có yêu cầu chờ 10 phút để báo kho cho xe ra. Sau đó, tôi gọi số điện thoại và Zalo của Công ty Phương Nam thì không liên lạc được. Tôi gọi xuống nhà máy thì được báo là chưa nhận được thanh toán từ bên Công ty Phương Nam”. Sau nhiều lần liên lạc không được, anh Phúc biết mình bị lừa đảo nên đến Công an Quận 7 trình báo sự việc.
Lấy công ty khác làm bình phong
Vụ việc bị lừa đảo với chiêu mua sắt thép giá rẻ trên mạng của anh Phúc đã diễn ra nhiều nơi, như trường hợp chị B (nhân viên cửa hàng vật liệu xây dựng) lên mạng để tìm nơi mua thép hộp kẽm và thép góc V về bán lẻ tại cửa hàng ở TP. Tây Ninh. Chị B đã bị hấp dẫn bởi bảng chào giá rẻ như hàng thanh lý của một công ty đăng lên mạng nên quyết định liên lạc để hỏi mua hàng với đối tượng xưng là Kiệt – đại diện cho công ty.
Sau khi Kiệt tư vấn cho chị B, đối tượng lấy thông tin của chị B. để gửi cho Công ty TNHH Thép Bảo Tín (Thép Bảo Tín) yêu cầu báo giá. Ngày 28/10, phóng viên liên hệ Thép Bảo Tín và được biết, khi nhận được báo giá từ Thép Bảo Tín, đối tượng lừa đảo đã sửa lại báo giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thực và gửi lại cho chị B. Khi nhận được báo giá rẻ và lời cam kết “thấy hàng mới thanh toán”, khiến chị B đã không ngần ngại chốt đơn.
Kiệt đã liên hệ với Thép Bảo Tín và chốt đơn đặt mua 2.180 cây thép (bao gồm cả thép hình và thép hộp) đồng thời yêu cầu giao đến địa chỉ tại đường Điện Biên Phủ, P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh. Đối tượng này đã lợi dụng chính sách bán hàng linh hoạt của Thép Bảo Tín để qua mặt chị B. Theo chính sách là khách hàng sau khi chốt đơn hàng chỉ cần đặt cọc trước một khoản tiền nhỏ để làm tin, công ty sẽ giao hàng đến tận nơi cho khách. Chỉ sau khi khách hàng kiểm tra, đúng đủ số lượng thì mới thanh toán nốt số tiền hàng còn lại.
Trường hợp này, Kiệt đã tự mình diễn 2 vai, vừa là kẻ bán vừa là người mua. Cụ thể, đối tượng đóng vai kẻ bán, làm báo giá thật rẻ cho “con mồi”. Sau đó, đối tượng lại thủ vai người mua hàng, sẵn sàng bỏ ra 20 triệu đồng đặt cọc cho Thép Bảo Tín để chuẩn bị hàng (số tiền cọc tính trên tổng giá trị đơn hàng).
Quá trình trao đổi với nhân viên của Thép Bảo Tín, Kiệt từ chối cung cấp mã số thuế với lý do “chỉ là cửa hàng nhỏ, chưa thành lập công ty nên không có mã số thuế”. Đồng thời, Kiệt yêu cầu bỏ đi mọi thông tin của Thép Bảo Tín trên biên bản giao hàng với câu nói “để cho gọn”. Nói cách khác, chị B không hề biết mình sẽ nhận hàng từ Thép Bảo Tín. Động thái này của người tự xưng là Kiệt hòng che giấu thông tin của Thép Bảo Tín và dễ bề thực hiện hành vi lừa đảo. Chính vì vậy, tới phút cuối chị B vẫn không biết mình đã bị lừa. Chỉ đến khi lái xe tải của Thép Bảo Tín thông báo rằng lô hàng này được giao bởi Thép Bảo Tín, chị B mới biết mắc bẫy kẻ gian.
Với thủ đoạn ngày càng tinh vi như vậy, đã có rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo. Thậm chí có trường hợp nạn nhân như anh Phúc đã cho xe vào tận nhà máy và xếp đủ hàng lên xe, xong lại phải hạ hàng xuống vì đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Hay ông C (ngụ P.Đông Lương, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) trình báo cơ quan công an, bị lừa 500 triệu đồng vì mua sắt thép giá rẻ trên mạng xã hội.
>> Xem chi tiết bài viết tại: Thủ đoạn mua bán sắt thép giá rẻ trên mạng để lừa đảo
Hy vọng những gì mà Hội sắt thép chia sẻ sẽ giúp mọi người có thêm nhiều bài học. Từ đó, luôn cảnh giác và tỉnh táo trước khi mua vật tư cho công trình của mình.