Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, 9 tháng đầu năm 2015, có 1,135 triệu tấn phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc chiếm đến 75%, với giá nhập khẩu rẻ hơn 35 – 40% so với cùng kỳ. Đây được xem là khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất, nhưng lại là cơ hội với các doanh nghiệp thương mại.
Ông Trịnh Bửu Tuân, Giám đốc Công ty Thương mại vật liệu xây dựng FICO cho biết, nhập khẩu thép được hưởng lợi từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, nhưng đối với các loại thép khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, thì việc điều chỉnh tỷ giá USD khiến giá mua vào giữ mức ổn định.
“Mỗi doanh nghiệp thương mại sẽ phải cân đối dòng tiền và khách hàng. Nếu thấy rẻ nhập nhiều mà không tiêu thụ nhanh thì tiền lưu kho bãi, lãi suất ngân hàng… sẽ ngốn một khoản không nhỏ”, ông Tuân nói và cho biết, đối với doanh nghiệp thương mại ngành thép thì phải có khách hàng ổn định và tài chính vững chắc mới “trụ vững” trên thị trường.
Xu hướng thép ngoại đổ bộ vào Việt Nam ngày càng hiện rõ, không chỉ thép Trung Quốc, mà các nhà sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản đều xem Việt Nam là thị trường tiềm năng.
Tại hội thảo “Giới thiệu thép cọc cừ của Hyundai trong lĩnh vực xây dựng” được tổ chức tại TP. HCM ngày 23/10 vừa qua, ông Choi Yun Young, Quản lý khu vực Đông Nam Á Công ty Thép Hyundai cho biết, với sản phẩm thép cọc cừ dùng trong xây dựng, thép Hyundai không có gì phải ngại thép Trung Quốc. Thời gian tới, Hyundai sẽ gia tăng lượng thép xây dựng tại Việt Nam. Hyundai nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng sẽ được chú trọng khai thác trong những năm tiếp theo. Năm 2014, lượng thép của Hyundai vào thị trường Đông Nam Á là 930.000 tấn, trong khi nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn.
Trên thực tế, các sản phẩm của Hyundai Steel đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1995 và được nhiều công trình lớn lựa chọn. Đơn cử như Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3… và hiện nay là tuyến Metro số 1. Theo kế hoạch, Hyundai Steel sẽ tung dòng sản phẩm thép chữ H và thép cọc cừ tại thị trường Việt Nam. Thép chữ H là dòng sản phẩm thép chịu kháng chấn lên đến gần 8 độ richte, được sử dụng nhiều trong các công trình nhà cao tầng, còn thép cọc cừ có ưu điểm chịu tải trọng tốt, thi công nhanh so với bê tông cốt thép truyền thống. Như vậy, Hyundai đã chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam và Công ty Thương mại FICO được chọn là đối tác chính để phân phối sản phẩm.
Không riêng gì Hyundai Steel, Nippon Steel cũng có kế hoạch thâm nhập thị phần tại Việt Nam cho dòng sản phẩm thép cao cấp. Thay vì nhập khẩu, Nippon Steel đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang khu vực Đông Nam Á và Australia. Một số doanh nghiệp thương mại cho rằng, thị trường thép chia thành nhiều phân khúc khác nhau và tùy thuộc vào công trình sẽ chọn lựa dòng sản phẩm phù hợp. Vì thế, chế độ hậu mãi và chủng loại đa dạng sẽ giúp các doanh nghiệp trong khâu cạnh tranh.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, công ty mẹ của Thép Pomnia cho biết: “Hiện tiêu thụ Thép Pomina tương đối tốt do sản phẩm được lựa chọn trong các công trình yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao. Hơn nữa, chế độ hậu mãi của Pomina tương đối tốt, nên không lo ngại cạnh tranh với thép cao cấp nhập khẩu”.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản và Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, thì việc các doanh nghiệp thép ngoại tận dụng lợi thế để xuất khẩu thép vào Việt Nam là điều khó tránh.
Nguồn tin: ĐTCK