Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcSiêu dự án thép 10 tỷ USD: Đừng chỉ nói hay

Siêu dự án thép 10 tỷ USD: Đừng chỉ nói hay

Với dự án thép khổng lồ của Hoa Sen, cần Hội đồng thẩm định Nhà nước với sự tham gia của chuyên gia luyện kim, đại diện các bộ ngành đánh giá.

Cam kết xử lý nước thải, còn khí thải, chất thải rắn?

Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có vốn đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD (hơn 230.000 tỉ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm.

Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025, và sẽ được tập đoàn Hoa Sen triển khai theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.


Khu liên hợp thép Cà ná và giấc mơ dang dở gần một thập kỷ của
Vinashin sắp được Tập đoàn Hoa Sen thực hiện. Ảnh: VnExpress

Sau bài học Formosa, trên báo chí, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết rất cao khi khẳng định, đối với dự án thép Cà Ná, doanh nghiệp này “không để một giọt nước thải ra biển”.

“Chúng tôi cam kết lấy tiêu chí bảo vệ môi trường lên trên hết. Nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná của Hoa Sen để xảy ra ô nhiễm, nếu sau này tôi nói sai thì đem ra tòa xử tôi”, ông Vũ nói.

Dù vậy, một số chuyên gia ngành thép vẫn lưu ý, đối với dự án thép khổng lồ ở ven biển như Hoa Sen Cà Ná, cần hết sức thận trọng trong vấn đề đầu tư và môi trường.

Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ông đã được xem chương trình cũng như nghe lời hứa mạnh mẽ của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen liên quan đến việc đầu tư siêu dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận, tuy nhiên, bởi ông Vũ là đại gia và là chủ đầu tư chứ không phải chuyên gia ngành thép nên hứa như thế.

“Từ kinh nghiệm Formosa, tôi cho rằng tất cả các dự án lớn của Nhà nước không thể để cho khu công nghiệp, tỉnh và chủ đầu tư bàn bạc với nhau rồi ra quyết định đầu tư, sau đó thông qua Nhà nước được mà phải do Hội đồng thẩm định của Nhà nước với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về luyện kim, đại diện của các bộ ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) để đánh giá một cách toàn diện”, ông Cường nói.

Vị chuyên gia thép dẫn ví dụ, về đánh giá tác động môi trường, qua vụ Formosa, cho đến nay Việt Nam mới biết sự cố của nước thải ra nước biển. Chủ đầu tư dự án thép Hoa Sen Cà Ná cam kết “không để một giọt nước thải ra biển”, tuy nhiên nếu nước thải ấy ngấm vào đất cát, chảy ra sông suối Ninh Thuận thì ảnh hưởng như thế nào?

“Chính vì thế, không phải cứ nói không cho nước thải ra biển là được. Đó mới là thải nước, còn thải rắn, ngay cả Formosa cũng chưa có phương án xử lý. Hơn nữa, Formosa cũng chưa chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thép ở Việt Nam và khi chạy sẽ còn nhiều vấn đề nữa bởi chưa chạy nên khi chạy sẽ còn ra nhiều thứ nữa vì công nghệ lò cao thải ra rất nhiều khí độc hại như CO, FO, NO, dioxin… Những loại khí đó phải được khống chế và xử lý môi trường kỹ càng, chưa kể hiệu ứng nhà kính”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo.

Ông Cường nói thêm rằng, khi cứ xây thêm các nhà máy thép lớn, Việt Nam phải tính tổng thể cả nước thải ra lượng khí CO2 như thế nào để quyết định quy mô của khu công nghiệp. Trung Quốc đã tính toán được điều này và ra thời hạn để bắt buộc đóng cửa nhà máy.

Với Việt Nam, khi làm dự án thép phải rất thận trọng, đặc biệt là khâu đánh giá tác động môi trường, bắt buộc phải có các chuyên gia tham gia, thậm chí phải mời cả tư vấn nước ngoài cùng xem xét với Việt Nam.

Thận trọng lựa chọn công nghệ, thiết bị

Một điểm quan trọng khác liên quan tới dự án thép Hoa Sen Cà Ná được ông Phạm Chí Cường lưu ý, đó là cần làm rõ công nghệ, thiết bị chủ đầu tư chọn là của nước nào, công nghệ đó giúp cho việc xử lý môi trường thuận lợi hơn ra sao.

“Tôi có hỏi ông Lê Phước Vũ chọn thiết bị của nước nào và ông nói chọn của Tây Âu, nhưng phải làm rõ đó cụ thể là nước nào, tiêu chuẩn ra sao, mức độ ảnh hưởng môi trường thế nào”, ông Cường nói. Công nghệ lò cao vẫn tới chiếm 70% công nghệ luyện thép đang được áp dụng hiện nay trên thế giới, tuy nhiên trình độ xử lý môi trường của các nước thì khác nhau.

Nguồn tin: Đất việt

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới