Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do các vụ điều tra phòng vệ thương mại, ngành thép vẫn tăng trưởng trong quý 1/2019 khi giá bán, tình hình sản xuất và tiêu thụ đều tăng. Tuy nhiên, với những biến động ở các yếu tố đầu vào như giá điện và giá phôi thép tăng, các doanh nghiệp thép đang chuẩn bị cho những khó khăn trong thời gian tới.
Tăng trưởng tốt
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), những tháng đầu năm 2019, giá nguyên liệu quặng sắt, sắt, thép vụn trên thế giới tăng mạnh đã khiến giá thép trong nước cũng tăng theo.
Ở thị trường thế giới, giá chào bán phôi thép biến động giảm khoảng 2% trong tháng 1/2019, nhưng sang tháng 2 giá đã phục hồi, tăng khoảng 3,5% và tương đối ổn định trong tháng 3. Hiện tại, giá chào phôi thép vào khoảng 465 – 477 USD/tấn.
Ở thị trường trong nước, theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, trong tháng 1, giá thép xây dựng tại các nhà máy cơ bản ổn định. Sang tháng 2, do giá nguyên liệu biến động tăng nên các nhà máy điều chỉnh tăng giá bán trong nước với tổng mức tăng phổ biến khoảng từ 400 – 650 đồng/kg tùy từng chủng loại và nhà sản xuất.
Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tình hình tiêu thụ thép vẫn tăng trưởng tốt trong quý 1/2019
Hiện tại, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức 11.200 – 13.200 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% VAT, chiết khấu bán hàng). Giá thép xây dựng bán lẻ phổ biến trên thị trường tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 12.100 – 13.800 đồng/kg, tại các tỉnh miền Nam dao động ở mức 12.500 – 13.900 đồng/kg.
Dù liên tục phải đối mặt với những khó khăn do các vụ kiện phòng vệ thương mại, quý 1-2019, sản lượng sản xuất sắt, thép thô, thép cán tại Việt Nam vẫn lần lượt tăng 64,8% và 6,1% so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với đó, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều đạt những kết quả khả quan.
Cụ thể, tiêu thụ các sản phẩm thép tháng 1/2019 đạt 1.958.009 tấn, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2 đạt 1.648.961 tấn, giảm 15,87% so với tháng trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Bước sang tháng 3, sản lượng sắt, thép thô đạt 1.684.000 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng thép cán ước đạt 507.000 tấn, tăng 13,5%; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 523.000 tấn, tăng 0,6%.
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2019 xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép tăng so với tháng 12/2018; tháng 2/2019 suy giảm 39,7% so với tháng 1, nhưng đến tháng 3 tăng trưởng trở lại.
Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu thép tháng 3 đạt 280 triệu USD, tăng 60% so với tháng 2, nâng kim ngạch ba tháng đầu năm lên 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Dự báo những khó khăn
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, cho biết hằng năm, do ảnh hưởng của tháng Tết nên sản xuất và tiêu thụ đều giảm trong quý 1. Riêng năm 2019, tiếp đà tăng của năm 2018, những hợp đồng xuất khẩu lớn vẫn được các doanh nghiệp xuất đi trong những tháng đầu năm, kể cả thời gian nghỉ Tết.
Nguyên nhân là do các đơn vị tiêu thụ, doanh nghiệp thương mại có sự chuẩn bị cho tháng 4, 5/2019 – cao điểm mùa xây dựng, mua vào số lượng khá lớn để dự trữ. Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm hơn các dự án đầu tư công, thúc đẩy thị trường xây dựng.
Về việc tăng giá bán thép thành phẩm, những người trong ngành cho rằng một phần là do giá phôi thép và giá các nguyên liệu đầu vào khác trên thị trường hiện nay đồng loạt tăng. Gần đây nhất, Bộ Công Thương còn thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3.
“Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm bởi sản lượng từ các cơ sở sản xuất theo công nghệ điện hồ quang EAF chiếm đến 65% tổng sản lượng sản xuất thép trong nước, trong khi giá điện thường chiếm 8 – 9% chi phí sản xuất”, đại diện VSA cho biết.
Ngoài giá điện, giá quặng sắt giữ ở mức cao cũng là một nguyên nhân chính buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán thép thành phẩm. Hiện ngành thép Việt cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nguyên liệu quốc tế. Hầu hết các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép phải nhập khẩu với số lượng rất lớn (khoảng 90% quặng sắt, 100% than mỡ, 70% thép phế, 100% điện cực graphit).
Các vụ điều tra phòng vệ thương mại cũng là khó khăn mà các mặt hàng thép Việt đang phải đối mặt. Từ trước tới nay, mặt hàng thép đã phải chịu tới 47 cuộc điều tra chống phá giá và trợ cấp, chiếm 1/3 trong tổng số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, năm 2018 có 13 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay có hai vụ điều tra mới đối với Việt Nam. Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Về dự báo ngành thép năm 2019, theo Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2018 của Bộ Công thương, nhu cầu thép thế giới trong năm 2019 dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại, đạt khoảng 1,7 tỉ tấn, tăng 7,6% so với năm 2018 do hoạt động sản xuất ô tô và xây dựng cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn.
Nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng ở hầu hết các châu lục, trừ châu Á, nhưng tốc độ tăng ở một số khu vực sẽ có xu hướng giảm. Dự báo, một số yếu tố có khả năng tác động đến tiêu thụ thép thế giới trong năm tới có thể kể đến như việc Mỹ sẽ nới lỏng thuế quan với Thổ Nhĩ Kỳ; những tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của Trung Quốc giảm, các nhà máy Trung Quốc sẽ tập trung sang xuất khẩu và gây ra cuộc cạnh tranh lớn về giá. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thép các loại của Việt Nam trong năm 2019 dự kiến tiếp tục tăng. Tuy nhiên, dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu không cao do biến động kinh tế, chính trị nói chung và biến động về cung cầu, giá của ngành thép thế giới nói riêng.
Nguồn tin: Cafeland