Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcNgành sản xuất phôi thép điêu đứng vì phôi Trung Quốc

Ngành sản xuất phôi thép điêu đứng vì phôi Trung Quốc

Cách đây 7- 8 năm, ngành cán thép trong nước điêu đứng vì thiếu nguyên liệu bán thành phẩm là phôi thép, phải phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài. Nay, ngành phôi trong nước đã tự chủ được nguồn cung thì lại phải đối diện với sự đổ bộ ồ ạt của phôi giá rẻ, lách thuế đến từ Trung Quốc.

Từ thép chứa Bo đến phôi thép chứa Crom

Hôm 13-10, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đã ký các văn bản liên tiếp gửi các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN và Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc nhập khẩu phôi thép hợp kim có xuất xứ từ Trung Quốc.

Văn bản này cho thấy, trong 2 tháng 8 và tháng 9, lượng phôi thép hợp kim (có chứa 0,3% đến 0,4% Crom) được khai vào mã 7227.90.00 theo biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành , nhằm hưởng thuế suất 0%, tăng trưởng nhập khẩu đột biến. Tổng lượng nhập về Việt Nam trong hai tháng lên đến hơn 65.000 tấn, trị giá hơn 21 triệu đô la Mỹ. Còn lượng phôi thép xây dựng thông thường nhập về Việt Nam cũng từ Trung Quốc thì phải nộp thuế nhập khẩu 9%, theo mã hàng hóa khác.

Con số tổng lượng phôi nhập về Việt Nam tính đến giữa tháng 9 là 1,13 triệu tấn, trị giá 421 tỉ đồng, tăng 290% so với cùng kỳ năm trước cho thấy mức độ nhập khẩu tăng trưởng đột biến thế nào. Có đến 75% trong số này là phôi từ Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng phôi nhập khẩu có chứa Crom này cũng chỉ dùng để sản xuất thép xây dựng thông thường, không phải sản xuất thép chất lượng cao, nhưng được cho thêm hàm lượng Crom đủ quy định để không phải nộp thuế. Trong khi đó, các loại phôi thông thường khác phải nộp thuế cao.

Sau khi nhiều công ty thương mại nhập về, một số doanh nghiệp cán thép trong nước , doanh nghiệp FDI cũng đã làm văn bản hỏi Bộ Công Thương xem quy định về việc này thế nào. Bộ Công Thương đã từng trả lời một văn bản của doanh nghiệp FDI hồi tháng 8 vừa qua là, bộ này quy định các loại thép hợp kim là thép dùng làm nguyên liệu sản xuất, không phải là các loại thép dùng trong xây dựng.

Trường hợp này làm nhiều người nhớ lại, từ năm 2009 đến 2014, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu thép có chứa chất Boron (chất gia tăng độ cứng của sắt thép) khai vào mã thép hợp kim hưởng thuế suất 0% nhưng sau nhập khẩu chỉ dùng trong xây dựng, không phải cho các ngành chế tạo, làm điêu đứng các nhà sản xuất trong nước.

Lợi nhóm nhỏ, hại một ngành

Nếu phôi thép có chứa Crom tiếp tục được nhập về bán cho các doanh nghiệp cán thép mà không phải chịu thuế 9% như phôi thông thường thì chênh lệch giá bán của thép thành phẩm sản xuất trong nước và thép sản xuất từ nguồn phôi rẻ khoảng 15% đến 20%. Trước mắt, cách làm này sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp cán thép thành phẩm nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nó sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất phôi thép vào chỗ đóng cửa.

Mặt khác, nếu mặt hàng né thuế này được nhập ồ ạt với số lượng lớn một cách dễ dãi, thì đến lúc nào đó, ngành sản xuất thép trong nước sẽ quay trở lại thời kỳ phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài như thời điểm những năm 2009 trở về trước. Mọi sự thay đổi về giá cả, tỉ giá sẽ kéo theo sự ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ ngành sản xuất nội đia.

Còn tạm tính trong nước, nếu không phải nộp thuế 9%, hai tháng qua các nhà nhập khẩu đã được “lợi ” 1,89 triệu đô la Mỹ (khoảng 42 tỉ đồng). Và nhà nước thì không thu được số thuế này trong khi mục đích sử dụng sau nhập khẩu không khác gì thép xây dựng thông thường.

Hiệp hội Thép, do vậy, đã kiến nghị Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan giám sát chặt mục đích sử dụng sau thông quan của các nhà nhập khẩu. Nếu sử dụng như phôi thép thông thường thì phải nộp thuế như các nhà nhập khẩu phôi thép xây dựng khác.

Trường hợp các quy định hiện hành chưa sửa đổi và ngành sản xuất phôi trong nước vẫn chịu thiệt hại thì Hiệp hội đã tính đến phương án kiện tự vệ phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc để tìm đường tồn tại cho ngành đã từng được khuyến khích đầu tư mạnh những năm trước.

Nguồn tin: KTSG

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới