Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcGiá thép tăng không ngừng: Doanh nghiệp mong chờ biện pháp “hạ...

Giá thép tăng không ngừng: Doanh nghiệp mong chờ biện pháp “hạ nhiệt”

 Giá thép vẫn đang tiếp tục tăng cao khiến doanh nghiệp trên các lĩnh vực từ xây dựng đến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Hiện giá thép đã tăng cao hơn 40 – 50% so với cuối năm 2020 và vẫn đang tiếp tục tăng chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Một công ty sản xuất kết cấu thép cho biết, giá thép tăng cao quá nên hầu hết các đơn hàng ký cho năm 2021 phải tạm dừng lại. Trước đây khi mua thép, chỉ cần tạm ứng 30% đã có hàng, nhưng nay, giá thép ao, công ty phải thanh toán trước 100% mới có thép. Việc sản xuất bị chậm tiến độ vì giá thép cao và phải ứng toàn bộ vốn, nguồn tài chính công ty chưa đủ mạnh để gánh toàn bộ chi phí này.

“Kỳ vọng của doanh nghiệp với các biện pháp của chính phủ là mong muốn làm sao bình ổn được giá thì lúc đấy hợp đồng mới thực hiện được”, ông Lê Công Minh, Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí 43 và xây dựng Thăng Long, cho biết.

Còn với một doanh nghiệp chế tạo khuôn mẫu và linh kiện ngành sản xuất khác, tìm cách thay đổi công nghệ, thay đổi quản lý, cắt giảm chi phí là cách để doanh nghiệp ứng phó từ khi giá thép tăng lên, tuy nhiên vẫn không bù đắp được những phần chi phí bị đội lên do giá thép.

“Chúng tôi cũng mong rằng các hiệp hội, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ chúng tôi tìm kiếm cơ sở để có câu trả lời chính xác cho việc tăng giá này, qua đó chúng tôi có biện pháp lâu dài để khắc phục”, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Cố vấn Cao cấp Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Dịch vụ và Thương Mại Việt Nam, chia sẻ.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng rất kỳ vọng vào các biện pháp của chính phủ, khi chính các doanh nghiệp không còn khả năng xoay xở.

“Giá thép lên như thế này, kể cả nhà thầu được thanh toán đúng hạn cũng không có tí lãi nào. Giác độ hiệp hội nhà thầu chúng tôi mong cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích của nhà thầu, bảo vệ lực lượng sản xuất trong nước chúng ta đang vô cùng quan trọng với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhận định.

Hiệp hội cũng cho rằng, tổng sản phẩm ngành xây dựng chiếm khoảng 10% tổng GDP cả nước. Việc giá thép tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng cơ bản, làm chậm mục tiêu phát triển.

Các Bộ đồng loạt đưa giải pháp gỡ khó trước tình trạng giá thép tăng nóng

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bình ổn thị trường, trong cuộc họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao các Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng có các biện pháp liên quan đến mặt hàng này. Các Bộ liên quan ngay lập tức đã đưa ra một số giải pháp.

Bộ Công Thương đang xem xét các giải pháp: kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu cao; rà soát nguyên liệu đầu vào; tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tăng giá thép.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp như: xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào.

Còn Bộ xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng cập nhật giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá mới; đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tác động giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước.

Nhiều giải pháp trong số này cần kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành các chính sách đồng bộ.

Nguồn tin: VTV

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới