Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thời gian qua, ngành thép phải đối mặt với nhiều thách thức do dư thừa công suất, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ những doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước lẫn ảnh hưởng trực tiếp của thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cùng với đó, nguyên liệu đầu vào tăng – giảm thất thường đã tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN ngành thép. Đặc biệt, hiện ngành thép Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nguyên liệu quốc tế, hầu hết các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép phải nhập khẩu với số lượng rất lớn (khoảng 90% quặng sắt, 100% than mỡ, 70% thép phế, 100% điện cực graphit).
Theo dự tính, trong giai đoạn 2019-2023, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước dự báo khá cao (6,7%-7,0%/năm) nên nhu cầu thép cũng tăng cao.
Đồng thời đây cũng là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế giới mới như CPTPP, EVAFTA, RCEP… sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ tốt cho sản xuất thép.
Tuy nhiên, việc thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhất là với các sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vụ tranh tụng thương mại quốc tế, từ đó làm cho công tác xuất khẩu các sản phẩm thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, VSA vẫn đưa ra dự báo lạc quan, với con số tăng trưởng của ngành trung bình khoảng 8%-10%/năm trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các DN ngành thép đã, đang và tiếp tục tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất; đổi mới tư duy, quản trị, tích cực đào tạo nâng cao trình độ cũng như tay nghề cho người lao động.
Nguồn tin:Sggp