Ngành thép đang phục hồi, nhưng tình hình sản xuất, bán hàng chỉ nhộn nhịp ở một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngành này kỳ vọng quý IV sẽ khả quan hơn.
Quý III, Hoa Sen và Hòa Phát lập kỷ lục bán hàng
Trong quý IV niên độ tài chính 2019-2020 (tức quý III/2020), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt sản lượng tiêu thụ 525.277 tấn. Đáng chú ý, HSG liên tiếp ghi nhận kỷ lục về sản lượng xuất khẩu theo tháng.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu tháng 7 đạt hơn 82.000 tấn, tháng 8 đạt hơn 92.000 tấn, tháng 9 đạt trên 100.000 tấn, tính chung cả quý III ước đạt 275.668 tấn, tăng 154% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III/2020, HSG đạt doanh thu 8.349 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 476% so với cùng kỳ niên độ trước.
Công ty ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất niên độ tài chính 2019-2020 đạt sản lượng tiêu thụ 1.622.653 tấn, tăng hơn 8%; doanh thu thuần 27.538 tỷ đồng, hoàn thành 98,4% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng 275% so với cùng kỳ và gấp 2,8 lần kế hoạch.
Lý giải về đà phục hồi tăng trưởng, HSG cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, Công ty tập trung khai thác lợi thế hệ thống gần 600 cửa hàng tại thị trường nội địa và kênh xuất khẩu đến 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nên tình hình sản xuất, bán hàng tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, HSG đã được Tổng cục Hải quan gia hạn chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan thêm 3 năm kể từ tháng 8/2020. Điều này giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và tiết kiệm chi phí về thủ tục hành chính, góp phần gia tăng lợi nhuận.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), trong tháng 9/2020, Công ty đạt kỷ lục bán hàng mới với 522.000 tấn, lần đầu tiên ghi nhận sản lượng 352.000 tấn thép xây dựng thành phẩm và 170.000 tấn phôi trong một tháng.
Lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong tháng 9 tăng 82,3%, riêng xuất khẩu đạt 62.700 tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, HPG tiêu thụ được hơn 4 triệu tấn thép, gấp 2 lần cùng năm 2019. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ, phôi thép 1,25 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng.
Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục vượt trội ở vị trí dẫn đầu với 32,6%. Bên cạnh dẫn đầu thị trường trong nước, thép Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 370.000 tấn, tăng 95% so với cùng kỳ.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2020, HPG đạt 24.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 62,7% và 3.785 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 65.000 tỷ đồng doanh thu và 8.845 tỷ đồng lợi nhuận sau thu, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
HPG cho biết, Công ty đang phấn đấu đưa lò cao số 4 – hạng mục cuối cùng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất vào hoạt động trong tháng 1/2021.
Kỳ vọng vượt khó
Trong quý IV, khối doanh nghiệp ngành thép, ngay cả các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, dự kiến sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) chia sẻ, nửa đầu năm 2020, công tác tiêu thụ, bán hàng bị đình trệ, công tác thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, đồng thời phát sinh các khoản nợ quá hạn từ khách hàng làm tăng chi phí tài chính. Kết quả, Công ty lỗ 16,4 tỷ đồng.
Hiện tại, nhiều giải pháp kỹ thuật được VIS áp dụng làm tiết giảm các chi phí sản xuất phôi, kết hợp với giá cả trên thị trường của một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phôi lò điện đã hạ xuống mức hợp lý là các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện để sản phẩm phôi thép của Công ty có thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. VIS kỳ vọng, kết quả kinh doanh cuối năm sẽ có nhiều cải thiện.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (DTL), nửa đầu năm 2020 ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 781 tỷ đồng, giảm 590 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 37 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán các thành phẩm không tăng nhiều, bên cạnh đó là sự cạnh tranh giữa các công ty cùng ngành nghề, thị trường xuất khẩu suy giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc DTL cho biết, nguồn cung thép đang vượt quá nguồn cầu, nhu cầu có tăng nhưng không đáng kể, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau khốc liệt để thúc đẩy bán hàng.
Các doanh nghiệp thép kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV nhờ thị trường bất động sản sôi động trở lại cùng chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Doanh nghiệp thép vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá bán thành phẩm chỉ tăng khoảng 5%. Giá thép thành phẩm trên thế giới hiện khoảng 550 USD/tấn, giá bán trong nước là 450 USD/tấn.
Về thị trường, các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn kép. Thị trường trong nước nhích lên nhưng còn chậm và chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng hưởng lợi từ nguồn cầu thép xây dựng tăng, còn doanh nghiệp sản xuất tôn tấm lợp vẫn tiêu thụ chậm do nhu cầu yếu.
Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, DTL gần như phải dừng hết các đơn hàng.
Trước đây, sản phẩm của Công ty có mặt tại nhiều thị trường như Nam Phi, châu Âu, Ba Lan, Ấn Độ…, nhưng thời gian qua, các thị trường này tạm dừng nhập hàng vì dịch bệnh. Hiện DTL bắt đầu nhận được một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng khối lượng không nhiều. Hy vọng từ nay đến cuối năm và sang năm 2021, tình hình sẽ khả quan hơn.
Theo ông Nghĩa, năm nay, DTL đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10 tỷ đồng. Công ty đang dùng nhiều cách thức khác nhau để thúc đẩy bán hàng, mục tiêu là đạt 90% kế hoạch doanh thu và thu đủ bù chi, không bị lỗ.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi cùng chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kéo theo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép gia tăng. Trong quý III năm 2020, sản lượng thép xây dựng ước đạt khoảng 920.000 tấn, tăng 17,9% so với quý II và tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp ngành thép dao động phổ biến từ 10 – 20%. Năm 2019, HPG có biên lợi nhuận gộp 18%, dự phóng năm 2020 đạt 20%. HSG có biên lợi nhuận gộp niên độ tài chính 2018-2019 ở mức 11,4%, dự kiến niên độ tài chính 2019-2020 đạt 14,9%.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán