Cuối tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông báo công ty TNHH POSCO VST, công ty CP Inox Hòa Bình đã nộp đơn đề nghị rà soát và tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thép Trung Quốc, Indonesia, Malaysia vì cho rằng thép này vẫn đang tiếp diễn hành vi phá giá.
Trước đó, ngày 25/8/2015, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát hàng năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01).
Sản xuất trong nước thiệt hại đáng kể
Trong vụ kiện này, Bộ Công Thương từng ban hành Quyết định số 7896/QĐBCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu (NK) vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: CHND Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan theo yêu cầu của công ty TNHH Posco VST (công ty Posco VST) và công ty CP Inox Hòa Bình.
Mức thuế chống bán phá giá thép không gỉ đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia dao động 1 năm qua là 3,07 – 37,29%. Riêng một DN của Đài Loan (Trung Quốc) bị áp thuế cao nhất, DN Yuan Long Stainless Steel Corp bị áp 37,29% và các DN khác bị đánh thuế 13,79%. Các DN của Indonesia bị áp mức thuế chống bán phá giá thấp nhất, với mức chỉ 3,07%. Các DN của Trung Quốc và Malaysia bị áp các mức thuế khác nhau, từ 4,64 – 10,71%.
Từ đầu năm đến nay, giá thép Trung Quốc bán lẻ giảm xấp xỉ 50%. Tháng 1/2015, giá thép tấm Trung Quốc ở mức 420 USD/tấn nay chỉ còn 280 – 290 USD/tấn.
Dù đơn giá NK sắt thép các loại bình quân 8 tháng năm 2015 giảm 22,7%, nhưng trị giá NK vẫn đạt 5,14 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, tính riêng đối với sản phẩm tôn mạ màu Trung Quốc, 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng NK đã là 226.000 tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2014 (145.000 tấn); sản phẩm từ tôn kẽm là 518.000 tấn, tăng 187% so với cùng kỳ năm trước (180.000 tấn). Trên thị trường, những sản phẩm này cũng có giá thành thấp hơn hẳn so với hàng trong nước. Giá tôn mạ của Việt Nam dao động 65.000 – 75.000 đồng/m, tôn Trung Quốc chỉ có giá khoảng 50.000 đồng/m.
Theo văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây, tác động xấu tới thị trường trong nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng sắt thép NK tháng 8/2015 đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 695 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, sắt thép NK đạt 9,91 triệu tấn, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, gần 6 triệu tấn sắt thép được NK từ Trung Quốc, chiếm hơn 60% tổng sản lượng sắt thép NK.
Duy trì sân chơi lành mạnh
Việt Nam tiến hành điều tra chống bán phá giá thép ngoại vào tháng 7/2013 sau khi công ty TNHH Posco VST và công ty CP Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc).
Trong vụ kiện này, Bộ Công Thương từng kết luận giai đoạn năm 2011 – 2013, các chỉ số về sản xuất, bán hàng, giá bán, thị phần, công suất, dòng tiền, lao động và tiền lương… của ngành thép nội địa có sụt giảm, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải đối mặt với thiệt hại thực tế và đáng kể do thép NK gây ra.
Bộ nhìn nhận có hiện tượng bán phá giá thép không gỉ của 4 nước dẫn đến ngành sản xuất thép trong nước chịu thiệt hại ở mức đáng kể. “Nếu tình trạng bán phá giá của hàng hóa từ 4 nước, lãnh thổ thuộc phạm vi điều tra tiếp diễn, ngành sản xuất trong nước sẽ tiếp tục chịu thiệt hại về sau”.
Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định: Để duy trì sân chơi lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước phát triển ổn định, cần áp dụng biện pháp chống phá giá. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội NK vào Việt Nam từ các nhà sản xuất, XK của 4 nước/vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Theo quy định, sau 1 năm chịu thuế, Bộ Công Thương sẽ phải rà soát xem có cần duy trì biện pháp áp thuế hay không.
Nguồn tin: Stockbiz