Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng cao thời gian gần đây, một yếu tố có khả năng làm tăng biên lợi nhuận của tập đoàn Hòa Phát trong năm 2021.
Báo cáo phân tích mới đây về Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định giá HRC đã tăng 10% từ đầu năm 2021 do sự phục hồi nhu cầu ở nhiều khu vực, trong khi nguồn cung quặng sắt tiếp tục đình trệ ở Brazil, và chi phí vận chuyển đang trở nên đắt đỏ.
Những yếu tố thuận lợi
Doanh số bán ô tô tại Trung Quốc và Ấn Độ liên tục tăng, kéo theo nhu cầu cao đối với thép phẳng. Ngược lại, nguồn cung quặng sắt ở Brazil vẫn yếu do dịch COVID-19 liên tục lan rộng trong mấy tháng qua.
Vì nhu cầu thép phục hồi và nguồn cung hạn chế nên giá quặng sắt duy trì xu hướng tăng giá mạnh từ nửa sau năm 2020 và hiện đạt 170 USD/tấn.
Ngoài ra, giá cước vận chuyển ở một số tuyến đường biển quan trọng tăng mạnh khiến giá HRC nhập khẩu đắt hơn đáng kể. Cụ thể, chi phí vận chuyển thép từ Ấn Độ sang Việt Nam đã tăng từ mức 8-10 USD/tấn lên hơn 45 USD/tấn.
Do tập đoàn Hòa Phát tự sản xuất trong nước và không mất chi phí vận chuyển nên không chịu ảnh hưởng tiêu cực, có thể đạt biên lợi nhuận gộp cao hơn, VDSC nhận định.
VDSC dự báo biên lãi gộp của Hòa Phát đạt 28% trong nửa đầu năm nay và có thể giảm còn 23% trong 6 tháng cuối năm. Hòa Phát thường dự trữ đủ nguyên liệu để sản xuất trong 2-3 tháng nên sự tăng giá nguyên liệu sẽ có tác động chậm đến giá thành sản phẩm.
Ở Trung Quốc, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất HRC và thép thanh cũng tăng trong tháng gần đây.
Về tình hình tiêu thụ, VDSC lập luận rằng tập đoàn Hòa Phát sẽ không gặp nhiều khó khăn do nhu cầu HRC nội bộ cũng như từ các công ty sản xuất tôn và ống thép là rất cao. Nguyên nhân là tăng trưởng lượng đơn đặt hàng lớn từ các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, những thị trường có yêu cầu về xuất xứ nghiêm ngặt.
Các nhà máy sản xuất tôn mạ và ống thép của Hòa Phát có thể tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn HRC, tương đương 47% sản lượng HRC sản xuất trong năm nay. Do đó, VDSC kỳ vọng Hòa Phát có thể bán khoảng 3 triệu tấn HRC vào năm 2021 (bao gồm cả tiêu thụ nội bộ và bán ra bên ngoài), đóng góp khoảng 31% vào tổng doanh thu.
Năm 2020, Hòa Phát bán khoảng 110.000 tấn tôn mạ, 577.000 tấn HRC, 822.000 tấn ống thép, 1,7 triệu tấn phôi và 3,4 triệu tấn thép xây dựng. Đầu năm 2021, tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch tiêu thụ 330.000 tấn tôn mạ, 920.000 tấn ống thép, 2,7 triệu tấn HRC, 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng.
Ưu thế về thép xây dựng
VDSC đánh giá khả năng cạnh tranh của Hòa Phát trong mảng thép xây dựng vẫn tốt, cho phép công ty giành thêm thị phần ở miền Nam. Giá thép phế tăng mạnh đã khiến giá thành sản xuất thép sử dụng lò điện (EAF) tăng nhanh hơn so với sử dụng lò cao (BOF) như Hòa Phát.
Chi phí quặng sắt chỉ chiếm 50% chi phí sản xuất gang dùng lò BOF, trong khi thép phế chiếm khoảng 80% đối với lò EAF. Do đó, mặc dù giá quặng sắt và thép phế liệu tăng với tốc độ tương tự nhưng chi phí sản xuất gang lỏng sử dụng lò EAF cao hơn lò BOF từ 20% đến 30% trong giai đoạn quý IV/2020 đến quý I/2021.
Do đó, Hòa Phát có khả năng tăng giá bán để hỗ trợ biên lợi nhuận gộp và tiếp tục giành thị phần.
Hồi tháng 3/2021, Hòa Phát đã ba lần nâng giá bán thép xây dựng với tổng mức tăng là 4% đối với thép cây và 2,8% đối với thép cuộn.
Trong hai tháng đầu năm, Hòa Phát tiêu thụ gần 376.000 tấn thép xây dựng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2020. Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ: “Mục tiêu của Hòa Phát luôn là phải bán hết lượng thép thô sản xuất ra. Kế hoạch cụ thể sẽ rất uyển chuyển tùy theo mùa vụ, vùng miền, trong nước hay ngoài nước”.
Những tháng đầu năm 2020 khi tình hình tiêu thụ thép xây dựng khó khăn vì dịch bệnh trong nước, Hòa Phát đã đẩy mạnh bán phôi thép ra nước ngoài. Năm 2021, tập đoàn đã tăng cường sản xuất và tiêu thụ HRC, đạt gần 428.000 tấn trong hai tháng.
VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ phục hồi từ tháng 3 trở đi, sau hai tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và kỳ nghỉ Tết. Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò hỗ trợ chính để ổn định nhu cầu thép xây dựng. Ngoài ra, giá thép của công ty khá cạnh tranh tại thị trường miền Nam, thúc đẩy thị phần của công ty gia tăng.
Giá thép của Hòa Phát thường thấp hơn Vina Kyoei 4-10% và thấp hơn Pomina 1-7%. VDSC dự báo thị phần của công ty tại thị trường miền Nam sẽ tăng từ 23% năm 2020 lên 27% vào năm 2021, tức là đạt khoảng 1 triệu tấn.
Trong khi đó, thị phần của Hòa Phát tại thị trường miền Bắc và miền Trung được dự đoán vẫn sẽ ổn định. Sản lượng xuất khẩu có thể tăng 10% do nhu cầu cao hơn trong lĩnh vực xây dựng để thúc đẩy nền kinh tế ở các thị trường xuất khẩu.
Năm 2021, Hòa Phát lập kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng, tăng trưởng 31,5% so với thực hiện năm 2020. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 18.000 tỷ đồng, tăng 33,2%.
Kết phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/4, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát tạm dừng ở mức 48.500 đồng, tăng 3,6% so với phiên trước. Trong vòng một tuần, cổ phiếu HPG tăng gần 8%, song trong vòng một tháng giá chỉ tăng 5%.
Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp