Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcBước nhảy vọt của xuất khẩu sắt thép

Bước nhảy vọt của xuất khẩu sắt thép

 Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép đạt mức tăng trưởng tới 71,9% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen xuất nhiều lô hàng lớn.

Hơn 1,1 tỷ USD từ xuất khẩu sắt thép

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng qua, xuất khẩu sắt thép ghi nhận mức tăng chưa từng có, đạt 1,568 triệu tấn, trị giá 1,123 tỷ USD, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 603 triệu USD từ các sản phẩm sắt thép (tăng 26,4% so với cùng kỳ), thì kim ngạch xuất khẩu sắt thép – sản phẩm sắt thép vọt lên trên 1,7 tỷ USD.

Xuất khẩu sắt thép đã kế thừa mức tăng trưởng từ năm 2020. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tuột mất cả tỷ USD vì dịch bệnh làm tổng cầu sụt giảm, thì sắt thép có mức tăng trên 1 tỷ USD, tương đương 25,1% trong năm 2020. Làm nên những mức tăng trưởng của ngành thép trong năm 2020 là những “ông lớn” dẫn dắt thị trường như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen…

Trong tháng đầu tiên của năm 2021, chỉ tính riêng nhóm sản phẩm tôn mạ kẽm, Hòa Phát đã xuất khoảng 10.000 tấn cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Sang tháng 2, Hòa Phát xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ. Ngoài thép xây dựng, Hòa Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu ống thép, tôn mạ, thép rút dây, dây thép rút mạ kẽm, thép dự ứng lực…

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng mở hàng năm 2021 bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn hiện đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng.

Đo lường thị trường 2021

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết, tiêu thụ thép 2 tháng đầu năm 2021 tại nội địa ước giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với hoạt động xuất khẩu, dù một loạt hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), nhưng chưa nhiều doanh nghiệp có thể tăng nhanh xuất khẩu sang EU do thị trường chính yếu ở khu vực châu Á.

Theo VSA, EVFTA đã đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, nhưng lượng sắt thép xuất khẩu sang EU vẫn còn khiêm tốn, thậm chí năm 2020 còn sụt giảm 19% so với năm 2019, đạt gần 180 triệu USD. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, hiện xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu và 57,8% kim ngạch, thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 4,15%.

Về tổng thể, trong hoạt động xuất khẩu năm 2021, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với trở ngại khi có thêm 5 quốc gia đang thực hiện điều tra chống bán phá giá lên sản phẩm tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có 2 quốc gia trong khu vực thị trường chính Đông Nam Á là Malaysia và Philippines.

Ngoài ra, thép chống ăn mòn đang bị áp thuế 2,3-16,2% tại Canada; thép cacbon cuộn nguội, không cuộn nguội bị áp thuế 6,97-51,61%; ống thép bị áp 6,97-51,61% tại Thái Lan; thép mạ bị áp thuế 3,17-38,34% tại Hàn Quốc…

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo xem xét gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu. Trước đó, ngày 1/2/2019, EU đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu bằng hình thức hạn ngạch thuế quan. Nếu vượt mức hạn ngạch thuế quan, 26 nhóm hàng thép nhập khẩu sẽ bị áp thuế 25% trên giá cập cảng EU. Theo đó, Việt Nam bị áp dụng biện pháp với 3 nhóm sản phẩm gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp vẫn có thể khai thác các thị trường mang về giá trị lớn như Trung Quốc, Campuchia, trong đó Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường xuất khẩu tỷ USD với nhiều dòng sản phẩm.

Nguồn tin: Đầu tư

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới