Theo GS Phạm Phố, cơ quan quản lý cần kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá thép của doanh nghiệp sản xuất thép, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trao đổi với Đất Việt về tình trạng giá thép tăng phi mã trong thời gian qua, chuyên gia luyện kim – GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, hiện nay, Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên, Formosa Hà Tĩnh sử dụng công nghệ lò cao nên nguồn nguyên liệu quặng không tăng, chỉ tăng giá than cốc do vận chuyển.
Trong khi đó, phần đông các nhà máy sản xuất thép khác ở trong nước dựa vào lò điện và thép vụn, mà thép vụn hiện nay khan hiếm, vận chuyển khó khăn do thiếu container, tàu biển phụ thuộc nước ngoài, nhưng ngược lại giá điện của Việt Nam không tăng.
Cho nên, ông Phố cho rằng, đối với việc tăng giá thép ở Việt Nam thời gian qua có một phần nguyên nhân là do các nhà máy sản xuất thép “làm giá”.
“Đáng lẽ Bộ Công thương phải chủ trì chuyện này và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không để các nhà máy sản xuất thép lấy cớ này cớ khác để tăng giá.
Nếu làm đàng hoàng thì phải xem lại giá cả thế nào, từ đó đưa ra kết luận tăng hay không tăng, tăng bao nhiêu…
Trường hợp nhà sản xuất cứ một mực tăng giá các sản phẩm thép thì Việt Nam tăng cường nhập khẩu thép để dung hòa, mà hiện nay nhập khẩu thép xây dựng rất dễ dàng, giá thép Trung Quốc rẻ”, GS.TSKH Phạm Phố đặt vấn đề.
Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý và dẫn cách xử lý tình trạng tăng giá thép ở Trung Quốc làm ví dụ.
Theo đó, ngày 14/5, các cơ quan quản lý ở hai trung tâm thép nổi tiếng của Trung Quốc là Thượng Hải và Đường Sơn đã cảnh cáo các công ty thép địa phương về việc lợi dụng giá tăng, thông đồng và lan truyền thông tin sai lệch để bán giá cao kiếm lời, sau khi giá sắt thép tăng cao kỷ lục trong những ngày gần đây.
Cơ quan quản lý ở hai thành phố này tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc những nhà sản xuất thép bị phát hiện đã thao túng giá thị trường hoặc găm hàng tích trữ.
Sau thông báo trên, giá sắt thép ở Trung Quốc giảm mạnh liên tiếp, đồng thời gây áp lực giảm giá lên các nguyên liệu sản xuất thép.
“Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chứ không phải nhân chuyện tăng giá mà kiếm tiền bỏ túi, mặc nhà máy sản xuất thép muốn làm gì thì làm.
Nhà máy sản xuất thép phải báo cáo với cơ quan quản lý: giá thép vụn tăng bao nhiêu, giá quặng có tăng hay không, còn tiền điện không tăng… Trên cơ sở đó, nếu nhà máy sản xuất thép vẫn ì xèo đòi tăng giá thì cơ quan quản lý cho đẩy mạnh nhập khẩu thép, nhất là từ Trung Quốc – nơi đang dư thừa thép.
Nếu làm nghiêm được như ở Trung Quốc, giá thép sẽ hạ nhiệt. Chuyện này ở trong tầm tay của cơ quan quản lý, không hề khó”, GS.TSKH Phạm Phố nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia, ông đã theo dõi một số đề xuất của Bộ Công thương nhằm ổn định giá cả thị trường thép, trong đó có biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu. Bộ Công thương cũng tuyên bố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu…
Tuy nhiên, ông Phố nhận định, những giải pháp này vẫn chủ yếu là để bảo vệ nhà sản xuất thép trong nước chứ chưa thực sự vì người tiêu dùng.
“Trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, khi giá thép tăng ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì Bộ Công thương phải đưa ra nhiều biện pháp để hạ nhiệt, như: cảnh cáo nhà sản xuất nếu tự tiện tăng giá thì sẽ tăng nhập khẩu thép để dung hòa thị trường; kiểm tra chặt chẽ xem nhà sản xuất có tăng giá đúng hay không, mức tăng bao nhiêu…
Giá thép có thể tăng vì vận chuyển gặp khó khăn do dịch bệnh, giá vận tải tăng lên… nhưng việc này tác động tới giá thép và nguyên liệu đầu vào bao nhiêu, có đúng như tình trạng nhà sản xuất thép phản ánh hay không, có hay không chuyện móc túi người tiêu dùng…”, vị chuyên gia nói.
Từ thực trạng trên, GS Phố một lần nữa nhấn mạnh, việc ổn định thị trường thép hoàn toàn nằm trong bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài những biện pháp trên, ông cho rằng cần có chính sách đồng bộ liên quan đến thép xây dựng và thép hợp kim.
Thực tế cho thấy, thép xây dựng dễ sản xuất, dễ bán do nhu cầu thị trường lớn, thu vốn và lời nhanh. Trong khi đó, sản xuất thép hợp kim đòi hỏi phải phát triển ngành cơ khí. Các công ty cơ khí hiện nay phải nhập khẩu thép hợp kim.
Dù vậy, để phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu… Việt Nam cần có chính sách khuyến khích sản xuất thép luyện kim, như ưu tiên giảm thuế cho những nơi sản xuất thép hợp kim phục vụ cho ngành công nghiệp.
“Doanh nghiệp nào muốn sản xuất thép xây dựng thì cứ sản xuất, nhưng phải tính toán, không thể để vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà doanh nghiệp muốn móc túi người tiêu dùng thế nào cũng được, phải kiểm tra, kiểm soát, đồng thời có những chính sách để phát triển các ngành cơ khí, đóng tàu… Xa hơn, cần đầu tư hạ tầng có chiến lược, hướng vào những nơi có nhu cầu thực sự”, GS Phố nêu rõ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, tổng lượng sắt, thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn, tăng hơn 540.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Lượng nhập sắt, thép các loại tăng hơn 12% nhưng kim ngạch sắt, thép nhập khẩu đã tăng lên hơn 36,6%, mức tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm 2020, lượng sắt, thép nước này nhập về Việt Nam tăng hơn 1,13 triệu tấn. Giá sắt, thép Trung Quốc bình quân về Việt Nam 16 triệu đồng/tấn, tăng hơn 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Nếu cùng kỳ năm 2020, lượng sắt, thép Trung Quốc về Việt Nam chỉ chiếm 1/3 tổng lượng sắt, thép nhập khẩu, thì đến hết tháng 4 năm nay, sắt, thép nước này chiếm 1/2 tổng lượng sắt, thép nhập về Việt Nam.
Ngoài sắt, thép các loại, Trung Quốc còn là nước cung cấp lượng sắt, thép thành phẩm lớn nhất vào Việt Nam. Hết tháng 4, lượng sắt, thép thành phẩm Trung Quốc vào Việt Nam chiếm gần 60%.
Nguồn tin: Đất việt