Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcĐiều gì đang chờ các “đại gia” ngành thép trong năm 2021?

Điều gì đang chờ các “đại gia” ngành thép trong năm 2021?

  Nhóm 3 doanh nghiệp là Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim sẽ tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành và hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng giá thép cuộn cán nóng (HRC).

Đây là đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) về triển vọng ngành thép năm 2021. Tính từ đáy dịch COVID-19 vào tháng 4/2020, VN-Index đã hồi phục khoảng 70%.


MASVN dự báo, trong ngắn hạn giá quặng sắt lẫn HRC sẽ tiếp tục tăng thêm 10%.

Tuy nhiên, việc hưởng lợi trực tiếp từ sự khan hiếm nguyên liệu cũng như gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc đã giúp các cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với VN-Index.

Hưởng lợi từ khan hiếm nguyên liệu

Tính đến hết phiên sáng 23/12, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp 3 lần từ đáy. Trong khi đó, cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng gấp hơn 5 lần từ đáy. Con số này ở NKG (Công ty Cổ phần Thép Nam Kim) cũng lên đến 3,6 lần.

MASVN dự báo, trong ngắn hạn giá quặng sắt lẫn HRC sẽ tiếp tục tăng thêm 10%, tương đương với giá HRC đạt 755 USD/tấn trong bối cảnh các nước liên tục công bố kế hoạch tăng đầu tư công từ năm 2021 nhằm chống lại sự suy thoái kinh tế do Covid-19.

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ diễn biến giá HRC, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ là điểm sáng của ngành thép Việt Nam trong năm 2021.

Theo quan điểm của MASVN, ngành thép toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Ở thị trường trong nước, trong năm 2021, nhóm chuyên gia cho rằng ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Trong đó, mảng HRC ước tính sẽ tăng mạnh nhất với 2 triệu tấn công suất thêm vào từ lò cao 3 và 4 của dự án Dung Quất Hòa Phát.

MASVN dự báo tổng sản lượng HRC và thép lá cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 10,69 triệu tấn, tăng trưởng tới 30% so với năm 2020. Sản lượng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt ở mức 11,2 triệu tấn (tăng trưởng 9%), 2,49 triệu tấn (tăng trưởng 8%) và 4,415 triệu tấn (tăng trưởng 8%).

Công ty chứng khoán này cho rằng từ cuối năm 2020, lợi nhuận của cả ngành thép lẫn tôn mạ sẽ được hỗ trợ bởi việc giá quặng sắt và HRC đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020.

Trong đó, lợi nhuận ròng của của NKG, HSG và HPG trong quý IV/2020 dự báo lần lượt đạt 90 tỷ đồng (tăng 1.180% so với cùng kỳ năm ngoái), 420 tỷ (tăng trưởng 132%) và 3.534 tỷ (tăng trưởng 83%).

Cho năm 2021, MASVN dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của NKG sẽ ở mức 30,4% so với năm 2020. Với HSG, mức tăng là 49,9%. Trong khi đó, con số này ở HPG là 16%.

Nhu cầu thép sẽ tăng

Nhận định về thị trường thép năm 2021, SSI Research ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành…


Nhận định về thị trường thép năm 2021, SSI Research ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ…. Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo.

Ngoài ra, các cơ hội từ hội nhập đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.

Theo Chứng khoán BSC, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.

Trước đó, ASEAN và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu về xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, theo các chuyên gia, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết.

Trong khi đó, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành thép rộng đường và thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU. Về mặt lý thuyết, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành nghề; trong đó có ngành thép.

Tuy nhiên, thị trường các nước EU ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại thép, các hoạt động chủ yếu trong nội khối. Theo số liệu của VSA, thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt gần 55% và 19%…

Do đó, để vào được thị trường EU, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam muốn đáp ứng được tiêu chuẩn đó phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật, thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới