Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) về tình trạng phôi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam. VSA cho rằng có biểu hiện doanh nghiệp gian lận trong nhập khẩu để hưởng ưu đãi về thuế suất, gây tác động xấu tới thị trường thép trong nước.
Thiệt đơn, thiệt kép
Dẫn số liệu từ thống kê của Tổng cục Hải quan, VSA cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15-9-2015, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam là hơn 1,135 triệu tấn, trị giá trên 421 triệu USD. Lượng nhập khẩu này tăng đến 290% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm đến 75%. Đáng chú ý, trong 2 tháng gần đây, một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom, trong đó tỉ lệ Crom rất nhỏ, chỉ tương đương với 0,3%, mã HS 7224.90.00 để được hưởng thuế suất 0%, thay vì 9% đối với phôi vuông (phôi thép thông thường). Đại diện VSA cho biết, về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng Crom rất nhỏ không có gì khác biệt với phôi thép thông thường, đều dùng để cán thép xây dựng.
Chỉ riêng tháng 9-2015, lượng phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, lên tới trên 62.017 tấn, với trị giá trên 20 triệu USD. Trong khi đó, sản xuất thép trong nước vẫn tiếp tục khó khăn. Các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất bằng 60% công suất. Áp lực phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc vào nước ta đã và đang đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, thay vì chịu thuế nhập khẩu 9%, phôi thép “đội lốt” thép hợp kim chỉ phải chịu thuế 0%, gây thất thu thuế nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 2 tháng (tháng 8 và tháng 9-2015), ngân sách Nhà nước thất thu 1,89 triệu USD, tương đương khoảng 42 tỷ đồng. Nếu từ nay đến cuối năm, lượng phôi thép nhập khẩu này vào Việt Nam tăng cao thì thất thu ngân sách càng lớn.
“Bình mới rượu cũ”
Năm 2009, “giả danh” thép hợp kim, thép chứa nguyên tố Boron của Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng lớn vào thị trường Việt Nam. Trong các năm 2011- 2014, tình trạng này liên tục tái diễn. Trước phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam, các nhà sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Đông Nam Á (SEAISI) áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật, phía Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách hoàn thuế đối với sản phẩm thép hợp kim chứa Boron. Vì vậy, từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp Trung Quốc đã “lách luật”, thay thế nguyên tố Boron bằng Crom để tiếp tục được hoàn thuế khi xuất khẩu. VSA đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng này để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ sản xuất trong nước.
Năm 2013, liên bộ Công Thương – KH-CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, quy định về chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực từ 1-6-2014. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn. Các bộ, ngành: KH-CN, hải quan có trách nhiệm đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra thép ở khâu thông quan, sau thông quan… Tuy nhiên, phôi thép “giả danh” hợp kim vẫn lọt lưới. Trong văn bản gửi các bộ, ngành lần này, VSA kiến nghị cần tăng cường kiểm tra các lô hàng phôi thép nhập khẩu có mã HS nêu trên theo quy định tại Thông tư 44, đồng thời xử phạt thật nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm. VSA cũng đề nghị được hỗ trợ, tư vấn để thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết.
Nguồn tin: ANTT