Mới đây, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, OLAF nghi ngờ có khả năng thép Trung Quốc đang giả danh thép Việt Nam để xuất khẩu vào EU nhằm tránh thuế chống bán phá giá. Trước thông tin này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực vào cuộc để tìm hiểu chính xác thực trạng.
Theo OLAF, đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn (trị giá khoảng 19 triệu USD) nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013-2014 mang theo C/O Việt Nam do VCCI cấp. OLAF nghi ngờ số lượng thép này là của doanh nghiệp Trung Quốc bán vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU với C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá.
Hiện nay, giá thành rẻ cộng với sản lượng dư thừa lớn, thép Trung Quốc đã tác động không hề nhỏ đến lĩnh vực sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. EU và một số nước đang có các hình thức ngăn chặn sự “xâm lấn” của thép Trung Quốc giá rẻ bằng việc tăng thuế chống bán phá.
Đơn cử, tháng 5/2016, Phòng Thương mại Mỹ đã phán quyết mức thuế chống bán phá giá 265,79%, thuế chống trợ giá 256,44% đối với thép Trung Quốc. Gần nhất, ngày 29/7/2016, EU cũng đã thông qua mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với một số sản phẩm thép thanh của Trung Quốc.
Chính vì thế, nếu thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt để xuất khẩu vào EU thì doanh nghiệp thép Trung Quốc sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận khá lớn khi “né” được thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, doanh nghiệp thép Việt chân chính khi xuất khẩu rất dễ bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, thiệt hại không hề nhỏ, đặc biệt là mất uy tín trên thị trường thế giới.
Một thực tế đáng quan tâm: Việt Nam luôn gặp khó trong xuất khẩu thép. Chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam phải chịu 12 vụ điều tra chống bán phá giá, trong đó có tới 6 vụ về sản phẩm thép. Mặt hàng thép đang được coi là một trong những mặt hàng “nhạy cảm” trên thị trường quốc tế. Với thông tin thép Trung Quốc “đánh lận” thép Việt, doanh nghiệp Việt đã khó nay sẽ lại càng khó hơn khi xuất khẩu.
Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang tích cực trao đổi với các thương vụ tại nước ngoài, đồng thời phối hợp cùng Hải quan và Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI – đơn vị cấp giấy C/O cho mặt hàng thép xuất sang EU – để rà soát lại các dữ liệu, xác minh rõ vụ việc.
Cần sớm có kết luận chính thức về việc có hay không thép Trung Quốc “khoác áo” thép Việt xuất khẩu vào EU để “giải oan” cho thép Việt.
Nguồn tin: Báo Hà Tỉnh