Việc siêu dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạnh ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 đang khiến dư luận hết sức băn khoăn và quan ngại.
Theo cam kết của tỉnh Ninh Thuận, dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná
sẽ nhận được hàng loạt chính sách ưu đãi từ địa phương
Sự lo ngại này không chỉ xuất phát từ hậu quả và dư âm của sự cố môi trường do Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh (Dự án Formosa) để lại, mà còn do bối cảnh ngành thép đang dư thừa công suất, chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm trong làm thép…
Có thực sự cần thiết?
Theo Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (TĐ Hoa Sen) được ký kết vào ngày 24-10-2015, Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná trên diện tích khoảng 1.400 ha trong thời gian 70 năm, được chia thành 5 giai đoạn (kéo dài từ năm 2017 đến năm 2031), với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2019 công suất dự kiến 3 triệu tấn/năm, năm 2025 là 9 triệu tấn/năm và đến năm 2031 là 16 triệu tấn/năm. Theo thỏa thuận, sản phẩm chủ yếu của tổ hợp này là gang lỏng, thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo, thép chất lượng cao, thép cán nóng, cán nguội, thép mạ…
Điều khiến dư luận trong nước hết sức băn khoăn chính là hiện nay các nhà máy thép trong nước mới chỉ hoạt động 60% công suất, và việc đáp ứng nhu cầu thép trong nước là điều ngành thép hoàn toàn có thể làm được, trừ những sự gia tăng đột biến. Trong khi đó, dự án thép Nghi Sơn, dự án Formosa (đang triển khai) khi đi vào vận hành sẽ tiếp tục cung cấp 7 triệu tấn/năm với mỗi dự án. Chưa kể, việc tiêu thụ của các DN hiện nay gặp khá nhiều khó khăn do lượng thép trong nước chịu sức ép cạnh tranh lớn từ thép NK giá rẻ từ Trung Quốc. Vì thế, việc bổ sung quy hoạch cho một dự án sản xuất thép quy mô lớn ven biển như Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen – Cà Ná đang khiến các chuyên gia, nhà khoa học và người dân lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung và có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường về ô nhiễm môi trường (tương tự như thảm họa do dự án Formosa đã gây ra).
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, việc lần đầu tiên có một DN trong nước làm một dự án lớn là rất mừng, nhưng ông cũng cho rằng, nhu cầu thép trong nước đã được bàn tính nhiều, trong những năm tới chúng ta vẫn có nhu cầu nhưng không đến mức phải có một dự án lớn như thế. Do đó cần có những tính toán, cân nhắc rất kỹ, rất cụ thể, để tránh việc triển khai dự án nhưng cuối cùng lại không đáp ứng được hiệu quả kinh tế và đặc biệt liên quan đến môi trường. Chuyên gia Lưu Bích Hồ cũng băn khoăn về nguồn vốn của dự án này khi cho rằng “khó tin vốn của DN này nhiều như thế, trong khi vay trong nước ngày càng khó”, đồng thời đặt vấn đề với số vốn lớn như thế, tại sao DN này không tính toán những chi phí cơ hội, hiệu quả đầu tư ở lĩnh vực khác mà lại lựa chọn vào những dự án “hóc búa” như làm thép? Theo chuyên gia này, những bài học đau đớn về làm thép ven biển chúng ta đã có, trong khi đó vấn đề đảm bảo ô nhiễm môi trường chỉ mới là lời hứa của DN.
Điều đáng nói, theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, dự án này vốn không có trong quy hoạch, việc Bộ Công Thương “hăng hái” đưa dự án này vào quy hoạch khiến nhiều người thắc mắc, đồng thời cho thấy việc bổ sung quy hoạch khá tùy tiện. “Trên thế giới đang dư thừa nguồn cung và quan trọng nhất, theo tôi dự án này không cần thiết. Nếu làm, chỉ nên làm thép cao cấp để không phải NK, còn nếu làm thép phổ thông, thép xây dựng thì không nên. Chưa kể, trong tương lai người ta hạn chế dùng những vật liệu nặng nề như xi măng, sắt thép mà chuyển sang dùng những vật liệu tốt hơn, mới hơn, như hợp kim, polyme, nano…”, chuyên gia này lưu ý.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đặt dự án tại khu vực này có yếu tố không thuận lợi khi Ninh Thuận không có nguồn quặng (khác với dự án Formosa của Hà Tĩnh) do đó dự án sẽ phải nhập quặng từ nơi khác. Chưa kể, để đảm bảo môi trường cần công nghệ hiện đại, nhưng đó sẽ là công nghệ như thế nào, bởi để có giá thành thấp phải dùng công nghệ của Trung Quốc, nhưng điều này đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, nhưng công nghệ hiện đại thì chi phí cao, giá thành sẽ đội lên và không cạnh tranh được với thép Trung Quốc.
“Thấy lạ lùng!”
Đó là nhận xét của PGS. TS Phùng Viết Ngư, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam khi đánh giá về một số yếu tố kỹ thuật của dự án này. Theo lời lãnh đạo Tập đoàn này tại Đại hội cổ đông của Tập đoàn được tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua, nếu gặp khó khăn về nguồn nước cho sản xuất thép thì sẽ dùng nước biển. Tuy nhiên, theo PGS. TS Phùng Viết Ngư, sản xuất thép là ngành công nghiệp cần khối lượng lớn nguồn nước ngọt và việc dùng nước biển để làm rất khó, thậm chí là “không tưởng”, chi phí sẽ đội lên nhiều. Ninh Thuận là địa phương khan hiếm nguồn nước, vì thế làm thép tại đây là cả một vấn đề, rất khó khăn và không hề đơn giản, phải nghiên cứu kỹ, cần tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý. Theo chuyên gia này, cần phải rất thực tế khi triển khai dự án nếu không sẽ dẫn tới đổ vỡ, trong đó hiệu quả kinh tế là mục tiêu số 1. Có lợi nhuận, tuy nhiên giá thành cao thì không thể có hiệu quả được, bởi rất khó để cạnh tranh với thép Trung Quốc.
Một trong những lo ngại của dư luận hiện nay là chủ đầu tư dự án, TĐ Hoa Sen, dù là DN đứng đầu ngành tôn mạ nhưng chưa có kinh nghiệm trong sản xuất thép. Trao đổi về vấn đề này, đại diện một DN FDI ngành thép cho biết, sẽ nhiều rủi ro vì TĐ Hoa Sen chỉ có ưu thế về cán thép, vì thế, nếu triển khai, họ phải mời các công ty có kỹ thuật cao. Nếu các công ty này đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì rất tốt, nhưng như thế giá thành sẽ cao. Với những dự án quy mô lớn như thế, theo đại diện DN này, nếu Tập đoàn Hòa Phát hoặc Tổng Công ty Thép Việt Nam triển khai thì có thể đảm bảo hơn.
Nhiều ưu đãi!
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ DN “mặn mà, tha thiết” với làm thép là vì dự án nhận được hàng loạt chính sách ưu đãi từ địa phương. Được biết, theo bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa TĐ Hoa Sen và UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp khoảng 1.400 ha diện tích đất cho dự án, cam kết giao đất sạch đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho chủ đầu tư, đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án như hai bên đã cam kết. Tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với TĐ Hoa Sen đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ ủng hộ tối đa việc xây dựng tuyến đường sắt nối dự án đến ga Cà Ná sớm nhất và vận hành tuyến đường sắt này để phục vụ cho dự án, đồng thời cam kết sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào khu công nghiệp Cà Ná.
Điều đáng nói, dù là địa phương thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm cho dự án để đảm bảo sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép, đồng thời thực hiện mức ưu đãi cao nhất theo quy định về thuế tài nguyên nước. Tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết áp dụng mức thuế suất TNDN 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế TNDN trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan Thuế, nếu DN bị lỗ sẽ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế (thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm). Địa phương này cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để đào tạo nhân lực nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh khu liên hợp nhà máy…. và nhiều ưu đãi khác.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần phải đối xử với dự án này bình đẳng như với các DN, ngành nghề bình thường khác. Không ưu đãi đầu tư (bằng thuế hoặc giá đất) cho các dự án tiêu tốn năng lượng hoặc có phát thải gây ô nhiễm, đồng thời phải kiểm soát chính xác quá trình phát thải của các nhà máy, thu phí gây ô nhiễm đúng quy định, đúng mức phát thải.
Thiết nghĩ, thực hiện được nghiêm chỉnh biện pháp này sẽ là giải pháp hữu hiệu vừa đảm bảo thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhưng lại hạn chế được rất nhiều những dự án mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư nhưng lại có thể gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: “Thời gian tới cần đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035, đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể. Cần xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường”. Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương: “Chủ đầu tư có năng lực phù hợp trước mắt với 4,5 triệu tấn/năm. Về nguyên tắc, quy hoạch bao giờ cũng dựa trên tiềm năng của khu vực, cụ thể đây là khu vực Cà Ná và năng lực sơ bộ của chủ đầu tư. Tuy nhiên dự án còn phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT thẩm định lại, nếu dự án tiền khả thi thì sau đấy mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và còn nhiều bước tiếp theo. Như vậy, còn nhiều bước để đến bước xây dựng, khởi công nhà máy. Hiện nay Bộ KH- ĐT vẫn chưa thẩm định vì theo quy định của Luật Đầu tư thì tỉnh Ninh Thuận phải nộp hồ sơ, thẩm định xong hồ sơ sẽ trình lên Thủ tướng. Dự án có được chấp thuận hay không còn phải xem hồ sơ, khả năng chứng minh năng lực tài chính, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Gần đây dư luận nóng lên việc này nhưng giờ còn quá sớm để đánh giá. Tuy nhiên theo tôi dư luận lo lắng cũng là điều tốt để chủ đầu tư từ bài học Formosa càng phải thận trọng hơn nữa, đảm bảo không để xảy ra sự cố tương tự như Formosa”. |
Nguồn tin: Hải quan