Thứ sáu, Tháng chín 20, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcThép cán nguội không gỉ Việt Nam tạm chịu thuế chống bán...

Thép cán nguội không gỉ Việt Nam tạm chịu thuế chống bán phá giá tại Malaysia lên đến 34,82%

 Ngày 28/12/2020, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) thông báo đã hoàn thành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.

Quyết định khởi xướng điều tra ban đầu dựa trên yêu cầu điều tra chống bán phá giá của đại diện sản xuất Malaysia là Bahru Stainless Sdn. Bhd. đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác, được phân loại theo mã HS: 7219.31.00.00, 7219.32.00.00, 7219.33.00.00, 7219.34.00.00, 7219.35.00.00; 7220.20.10.00; 7220.90.00 xuất xứ từ Việt Nam, Indonesia.

Theo đó, MITI cho rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục cuộc điều tra nói trên. Vì vậy, MITI quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 26/12/2020. Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 7,73% đến 34,82% cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Indonesia.

Kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra trên sẽ được ban hành muộn nhất vào ngày 23/4/2021. Các nhà nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu và các hiệp hội liên quan có thể nộp đơn đăng ký làm bên liên quan để nhận kết luận sơ bộ (bản công khai) và gửi về Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia.

Là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan liên lạc với MITI để đăng ký làm bên liên quan và nhận Kết luận sơ bộ cả cơ quan điều tra.

Đồng thời, nghiên cứu các lập luận trong Kết luận sơ bộ của MITI, rà soát một cách có hệ thống thông tin dữ liệu đã cung cấp và chuẩn bị tốt công tác thẩm tra tại chỗ. Đây là cơ sở quan trọng để bảo vệ các lập luận có lợi trước MITI và tác động trực tiếp tới kết quả cuối cùng của vụ việc.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Nguồn tin: Công thương

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới