Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính trong 4 tháng/2016, lượng sắt thép cả nước nhập về là hơn 6,2 triệu tấn, trị giá là 2,3 tỷ USD, tăng 56,3% về lượng và giảm nhẹ 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,59 triệu tấn, giảm 18% so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của năm 2015 (1,3 triệu tấn/tháng) và trung bình của 3 tháng đầu năm (1,54 triệu tấn/tháng). Lượng giảm nên trị giá nhập khẩu sắt thép trong tháng là 619 triệu USD, giảm 11,2%.
Trong đó, lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Trung Quốc là gần 3,7 triệu tấn, tăng mạnh 60,9%; Nhật Bản: 984 nghìn tấn, tăng 35,1%; Đài Loan: 589 nghìn tấn, tăng mạnh 119%; Hàn Quốc: 568 nghìn tấn, tăng 9,2%;… so với 4 tháng/2015.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội. Theo đó, tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, bao gồm các mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Trước sức ép đến từ thép Trung Quốc, Chính phủ nhiều quốc gia đã buộc phải gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong việc chung tay giải quyết tình trạng nguồn cung thép “gây lụt” thị trường này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu “cơn lụt” thép khi nước này cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong ngành thép một vài năm tới đây. Hiện các doanh nghiệp thép lớn tại Trung Quốc đang thua lỗ hơn 15,5 tỷ USD. Tính từ năm 2008 đến nay, giá thép thế giới đã giảm 70% giá trị.
Nguồn tin: Xây dựng