Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
Cổng kết nối giao thương, mua bán, thảo luận, trao đổi của HỘI SẮT THÉP tại Việt Nam
HomeTin tứcKhông nên bảo hộ phôi thép?

Không nên bảo hộ phôi thép?

 Bộ Công Thương vừa có quyết định bảo hộ ngành thép bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với phôi thép và thép dài. Thông thường mức thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu được xem như sự bảo hộ danh nghĩa cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Vấn đề đặt ra là mức bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất trong nước sẽ như thế nào?

Để bảo hộ nền sản xuất trong nước, thông thường, nếu những sản phẩm đầu vào là những sản phẩm không cho tiêu dùng cuối cùng mà được sử dụng cho chi phí trung gian của các ngành khác hoặc nền kinh tế thì không nên đánh thuế nhập khẩu cao hơn mức thuế danh nghĩa của sản phẩm cuối cùng. Nếu tăng thuế nhập khẩu những sản phẩm là đầu vào của các ngành khác trong nền kinh tế thì việc bảo hộ này thực chất chỉ là bảo hộ những doanh nghiệp tự sản xuất được những sản phẩm đầu vào này.

Tuy nhiên, việc bảo hộ phôi thép là tốt nếu làm rõ:

Thứ nhất, giá cả của phôi sản xuất trong nước trước khi tăng thuế có ngang bằng với phôi nhập khẩu không?

Thứ hai, chất lượng phôi sản xuất trong nước có tương đồng với phôi nhập khẩu không?

Thứ ba, sản lượng phôi sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng số phôi được sử dụng để sản xuất thép?

Ngoài ra, cần đánh giá trữ lượng tài nguyên được sử dụng trong việc sản xuất phôi và phải có kế hoạch khai thác sao cho nguồn tài nguyên không bị kiệt quệ trong thời gian ngắn (ăn hôm nay phải nghĩ đến ngày mai!).

Đồng thời, cần đánh giá tác động đến môi trường từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất phôi thép.

Trong trường hợp phôi thép nhập khẩu rẻ hơn phôi thép sản xuất trong nước thì tại sao lại bắt cả nền kinh tế phải chịu thiệt thòi để đáp ứng lợi nhuận cho một số ít công ty thép lớn? Trong khi đó, sản xuất thép trong nước sẽ bị đội giá thành và việc làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường là khó tránh khỏi.

Về nguyên tắc, một ngành cần được bảo hộ khi ngành đó hội được một số điều kiện cơ bản như có độ lan tỏa cao đến nền kinh tế trong nước, không làm cạn kiệt tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường

Ngay như đối với ngành thép, chỉ có một số các doanh nghiệp lớn (khoảng bốn doanh nghiệp) được hưởng lợi từ điều này, còn những doanh nghiệp thép khác sẽ chịu thiệt thòi và ngành thép nói chung cơ bản không được bảo hộ sản xuất.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 9% (trong năm 2015) lên 23,3% và thép dài lên 15,4% từ ngày 2-8-2016 mới đây của Bộ Công Thương sẽ khiến giá thành sản phẩm cuối cùng (thép) tăng và tất cả các ngành trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi giá sản xuất hoặc lợi nhuận giảm sút.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, nếu tăng thuế nhập khẩu như vậy sẽ làm giá thép tăng từ 2-4%. Điều này có thể khiến tổng giá trị gia tăng (hoặc GDP) của toàn nền kinh tế giảm 0,034-0,07%. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, về giá trị gia tăng hoặc lợi nhuận, so với mức ảnh hưởng bình quân chung của nền kinh tế như chính nhóm ngành thép, nhóm ngành xây dựng. Ngoài ra, hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành chế biến chế tạo sẽ bị ảnh hưởng về lợi nhuận cao hơn mức ảnh hưởng bình quân chung của nền kinh tế

Về tổng thể, ảnh hưởng này có thể là không quá lớn nhưng nếu cộng hưởng với những vấn đề khác mà Việt Nam gặp phải từ đầu năm đến nay như hạn hán, nhiễm mặn ở Tây Nam bộ, Tây Nguyên, ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung thì sẽ gây nên những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế.

Ngoài ra còn những hệ lụy về mặt xã hội và tâm lý là không đo đếm được.

Nguồn tin: KTSG

NHỮNG TIN LIÊN QUAN:
Click để tham giaspot_img

Phổ biến nhất

Bình luận mới