Quyết định số 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “áp thuế tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu được coi là quyết định đúng đắn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả ngành thép.
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định số 862/QĐ-BCT ra đời làm lợi cho một số DN sản xuất phôi, thép. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đó là khẳng định của ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương – về vấn đề này.
Trước hết, phải khẳng định, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương là đúng đắn và kịp thời. Quyết định này không phải bảo vệ lợi ích riêng của bất cứ một doanh nghiệp (DN) nào, mà là lợi ích của cả ngành thép trong nước trước sự đe dọa của hàng nhập khẩu ngày càng gia tăng với cường độ mạnh.
Đây là sự bảo hộ của nhà nước ở mức hợp lý cho ngành công nghiệp thép- một ngành công nghiệp xương sống của đất nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Không riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, nếu nhập khẩu thép từ nước ngoài vào tăng 30%/năm thì phải áp dụng biện pháp tự vệ ngay tức thì. Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng phôi thép năm 2015 nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường, ở các nước không cho phép xảy ra chuyện này.
Ông Mai Văn Hà – Giám đốc Thép Hòa Phát |
Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, một số DN sản xuất kinh doanh thép luôn đưa ra con số thua lỗ lớn, phần lớn đổ lỗi do sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Tại sao thép Hòa Phát vẫn đạt lợi nhuận cao? Điều đó cho thấy Quyết định số 862 là không cần thiết, gây ảnh hưởng đến DN, người tiêu dùng?
Hòa Phát khác hẳn các DN khác trong ngành thép bởi kinh doanh đa ngành nghề, nhưng với thép lại là lĩnh vực cốt lõi, trong đó có hai sản phẩm là thép xây dựng và ống thép. Chính vì vậy, lợi nhuận chúng tôi có được là tổng hợp của nhiều ngành hàng khác nhau nên không thể so sánh với DN chuyên sản xuất thép. Bên cạnh đó, hầu hết các ngành hàng của Hòa Phát đều có chi phí giá thành ở mức thấp và cạnh tranh. Đối với thép xây dựng, Hòa Phát sử dụng quy trình luyện kim khép kín với nhiều công đoạn khác nhau như luyện than coke, thiêu kết, vê viên, luyện gang, luyện thép…theo chuỗi liên hoàn với suất đầu tư thấp, khấu hao nhỏ. Lợi nhuận được tích tụ từ nhiều khâu chứ không đơn thuần thể hiện qua sản phẩm cuối cùng. Do vậy, khó có thể tính toán lãi, lỗ, dù trong giai đoạn trước mắt Hòa Phát chưa chịu thiệt hại lớn, nhưng trong thời buổi hội nhập thế giới như hiện nay, thị trường diễn biến khôn lường, thép Trung Quốc tràn về quá lớn, chưa kể tới thép nhập từ các nước khác đã gây khó khăn cho các DN. Chính vì vậy, chúng ta không thể để tới khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Để bảo vệ hàng trong nước, vừa qua, các DN đã đệ đơn lên các cấp – đó là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Thiết nghĩ, chúng tôi cũng là thành viên trong ngôi nhà thép nên cùng đứng đơn với các DN thép khác để có thêm tiếng nói bảo vệ lợi ích chung cho toàn ngành một cách lâu dài. Việc làm đó hoàn toàn dựa trên việc nhận dạng rõ nguy cơ đe dọa từ sản phẩm nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.
Ngược lại, một số ít DN thép khác không đầu tư nhà máy sản xuất phôi, mà chỉ xây dựng nhà máy cán thép, hoặc có đầu tư nhà máy sản xuất phôi nhưng không sản xuất, mà tranh thủ nhập phôi giá rẻ nên đã phản đối biện pháp tự vệ, nguyên nhân chính vì sợ ảnh hưởng tới lợi ích ngắn hạn của chính DN. Đó chỉ là số ít, không thể đại diện cho lợi ích của toàn ngành thép.
Nói về lâu dài, nếu Việt Nam cứ mãi sống nhờ vào nguồn phôi nhập khẩu, tới khi các nước xuất khẩu đều tăng giá, khi đó sẽ khó có thể tự cứu mình, chưa nói đến phát triển trong dài hạn.
Xin khẳng định lại, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương là cần thiết. Bởi nếu không có sự can thiệp hợp lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì rất nguy hiểm cho cả ngành công nghiệp thép trong nước. Trong khi đó, cả thế giới đang dựng những rào cản tối đa để ngăn chặn thép bán giá rẻ của Trung Quốc, nhằm tránh khỏi nguy cơ đỗ vỡ. Một minh chứng cho thấy, gần đây nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ (Tata) đã phải đóng cửa nhà máy tại Anh do không thể chịu được hàng bán phá giá từ Trung Quốc, bởi quốc gia này đang dư thừa hàng trăm triệu tấn thép cả thành phẩm (thép cây, thép cuộn) và bán thành phẩm (phôi thép), nhiều gấp mười lần công suất của cả ngành thép Việt Nam. Vì vậy, họ chỉ cần “ra tay” là bao công sức của cả ngành thép Việt Nam gây dựng hơn 20 năm qua sẽ đổ bể, đó là hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, nhiều nước châu Âu cũng tăng cường các biện pháp kỹ thuật như tự vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá… để bảo vệ sản xuất trong nước. Vậy, tại sao Việt Nam lại phản đối việc làm vì lợi ích lâu dài của cả ngành thép? Bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt, nhưng phải xét trên lợi ích tổng thể toàn ngành để hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.
Để tạo sự đồng thuận giữa các DN sản xuất, kinh doanh thép trong nước, tránh tạo sức ép dư luận xã hội và tăng sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước. Theo ông, biện pháp cao nhất ở đây là gì?
Theo tôi, điều đầu tiên các DN trong ngành thép phải nghĩ đến lợi ích tổng thể của toàn ngành, về lâu dài phải có sự đồng thuận trong các chính sách liên quan đến sự phát triển của ngành. Nếu chỉ vì tham lợi ích trước mắt, tư duy làm ăn chộp giật thì ngành thép hay bất cứ ngành nào cũng đều không thể bền vững, nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài rất cao.
Chúng ta phải đồng tâm, phấn đấu bằng mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, đổi mới công nghệ liên tục mới có thể đứng vững trên thị trường. Quan điểm của chúng tôi là sản xuất thép trên một chặng đường dài, không nhìn vào hiện tượng. Do đó, việc áp thuế tự vệ là để bảo vệ toàn bộ ngành thép Việt Nam, áp thuế để DN có thời gian chuẩn bị, giảm giá thành sản phẩm…, không phải đợi đến hết 200 ngày lại đối phó cách khác. Đây cũng là cơ hội cho các DN sản xuất phôi, thép trước đây vốn gặp khó khăn phải đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng để phục hồi sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: NDH